Dấu ấn Viện Thiết kế tàu quân sự03/08/2022 01:31:27 PMCNQP&KT - Sau hơn một thập niên nỗ lực vượt bậc, Viện Thiết kế tàu quân sự (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã đạt nhiều dấu ấn nổi bật, ngày càng khẳng định vị thế trong lĩnh vực thiết kế tàu quân sự. NHIỀU ĐỔI MỚI TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN Thiết kế đóng mới và cải hoán tàu quân sự, tàu và phương tiện thủy phục vụ nhu cầu dân sinh và xuất khẩu; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đóng tàu; tham mưu với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Bộ Quốc phòng về quản lý nhà nước trong đóng tàu quân sự, là những chức năng, nhiệm vụ cơ bản mà Viện Thiết kế tàu quân sự được cấp trên giao. Thành lập năm 2009, so với các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP, Viện Thiết kế tàu quân sự có “tuổi đời” non trẻ nhất. Nhưng cũng nhờ sức trẻ mà Viện có sức bật mạnh mẽ qua bao khó khăn, thử thách của những ngày đầu thành lập để dần chững chạc, trưởng thành theo “độ khó” của từng nhiệm vụ. Tất nhiên, ở thời điểm nào thì thời cơ, thuận lợi cũng đan xen thách thức, khó khăn, nhất là khi khát khao chinh phục những đỉnh cao luôn thôi thúc cán bộ, nghiên cứu viên của Viện. Thượng tá, TS. Phạm Quang Chiến, Viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự, trải lòng: “Nỗ lực vươn lên, vượt khó để thành công, là cách chúng tôi vun đắp thêm truyền thống và tích lũy thêm kinh nghiệm”. Vẫn theo lời đồng chí Viện trưởng, “lòng tự trọng” của những người làm khoa học khi “danh tiếng” của đơn vị thuở ban đầu chưa được như kỳ vọng đã thôi thúc mỗi người luôn gắng sức trong những khâu căng, việc khó. Và thực tiễn chứng minh, thành công thuộc về những người quyết liệt, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cũng cần nói thêm, thuận lợi cơ bản của Viện là có đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên được đào tạo bài bản, chủ yếu từ nước ngoài (chiếm khoảng 50%), trong đó có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ ở độ tuổi 30-40. Mặt khác, Viện luôn chủ động trong việc tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đồng thời, chú trọng tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế, đóng tàu quân sự từ nước ngoài và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu; làm chủ các phương pháp tính toán, các phần mềm thiết kế tàu, như: AVEVA Marine, FINE Marine, Maxsurf, Rhinoceros, NavCad, ProPcad… Nhờ vậy, Viện đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong công tác thiết kế. Đến nay, Viện đã thực hiện thiết kế đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa hơn 20 gam tàu, với tổng số gần 100 tàu trang bị cho các đơn vị trong và ngoài Quân đội. Các sản phẩm do Viện thiết kế đều được chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị sử dụng đánh giá cao. ![]() Tổ thiết kế tập trung của Viện Thiết kế tàu quân sự được đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ công tác. Theo Viện trưởng Phạm Quang Chiến, đối với các anh, thước đo năng lực không chỉ là số lượng đề tài, nhiệm vụ thực hiện thành công mà còn là sự tiến bộ, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên. Khi đội ngũ đã “chân cứng đá mềm” thì “khó khăn nào cũng vượt qua”, dù rằng nguồn nhân lực của Viện hiện còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển. “Hữu xạ tự nhiên hương”, một tín hiệu đáng mừng khi hằng năm, số lượng người được đào tạo bài bản xin về Viện đã tăng hơn so với trước, bởi điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nghiên cứu viên không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thiếu tá Ninh Đức Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Viện, nói vui với tôi: “Mời nhà báo “thực mục sở thị” bãi đỗ xe ô tô của Viện để đánh giá chất lượng cuộc sống anh em!”. Còn Thiếu tá Lã Văn Đồng, nghiên cứu viên Phòng Vỏ tàu cho biết: “Chế độ phúc lợi từng bước được đảm bảo, chúng tôi có điều kiện nâng cao đời sống. Nhưng điều quan trọng hơn, chúng tôi có môi trường thuận lợi để thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo. Với sự định hướng, quan tâm kịp thời của lãnh đạo, chỉ huy Viện, mỗi cá nhân đều có cơ hội vươn lên khẳng định mình”. Những năm gần đây, Viện Thiết kế tàu quân sự có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, từ nghiên cứu khoa học, tổ chức thiết kế, đến công tác bồi dưỡng đào tạo, xây dựng quy trình làm việc, môi trường văn hóa… Cụ thể, trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện thành lập hội đồng khoa học xuyên suốt một đề tài để nắm bắt từ ý tưởng ban đầu đến kết quả đạt được cuối cùng; đồng thời, hội đồng cũng giúp tổ đề tài giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu và kiểm soát được chất lượng, tiến độ thực hiện. Công tác tổ chức thiết kế cũng được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa khi thành lập tổ thiết kế tập trung, với nhân sự chủ chốt từ các phòng chuyên môn. Cách làm này giúp giảm thiểu sự chồng chéo hoặc bỏ sót nội dung giữa các cá nhân, các ngành cùng tham gia thiết kế một sản phẩm. Cùng với đó, Viện tiến hành rà soát, ban hành các quy trình làm việc (thiết kế, giám sát, biên soạn tài liệu…) nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện công việc và phát hiện những khâu yếu, mặt yếu cần cải thiện. Riêng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, Viện chú trọng tự đào tạo bằng cách giao cho cán bộ có kinh nghiệm dẫn dắt, kèm cặp cán bộ trẻ, qua đó phát hiện thiên hướng, năng lực để sử dụng đúng người, đúng việc. Đặc biệt, Viện mạnh dạn giao đề tài, nhiệm vụ để thúc đẩy cán bộ trẻ tích cực nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy Viện còn quan tâm đến vấn đề cân bằng trí lực - thể lực với quy định “giờ thể thao” toàn Viện vào chiều thứ 5 hằng tuần. Viện có sân tennis, bóng đá, khu thể thao, khuôn viên rộng rãi để cán bộ, nghiên cứu viên nâng cao sức khỏe và tăng sự giao lưu, gắn bó ngoài công việc.
DẤU ẤN NỔI BẬT Nét nổi bật trong thời gian qua là Viện Thiết kế tàu quân sự ngày càng “tham gia sâu” vào quá trình thành hình các gam tàu, từ thiết kế kỹ thuật đến thiết kế thi công và giám sát thi công. Có thể kể tên những sản phẩm mang đậm dấu ấn của Viện, như: tàu bổ trợ vận tải đổ bộ, tàu kéo, tàu trinh sát, tàu tuần tra… Đặc biệt, đối với loạt tàu hải đội dân quân thường trực, Viện tham gia ngay từ bước lập dự án cho đến khi bàn giao tàu. Không những thế, Viện còn trở thành trung tâm kết nối giữa chủ đầu tư và các nhà máy thi công. Điều này chứng minh, Viện đủ năng lực đảm nhận nhiều khâu, nhiều việc khác nhau, với chất lượng đảm bảo và ngày càng nâng cao. ![]() Lãnh đạo, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Một trong những dấu ấn quan trọng của Viện Thiết kế tàu quân sự những năm qua phải kể đến đề tài “Nghiên cứu, thiết kế tàu SN phù hợp với điều kiện tác chiến bảo vệ biển, đảo Việt Nam” do Viện chủ trì mới được nghiệm thu thành công. Khó có thể liệt kê đầy đủ những khó khăn, trở ngại khi thực hiện đề tài trong 5 năm ròng rã (2017-2022) nhưng cán bộ, nghiên cứu viên của Viện luôn kiên định với mục tiêu, ý tưởng ban đầu. Trong đó, Thiếu tá, TS. Đào Thế Anh, nghiên cứu viên Phòng Cơ khí, là người viết nhiều chuyên đề và nghiên cứu thiết kế toàn bộ phần cơ khí của tàu. Kiến thức thu nhận trong những năm tháng học tập tại Liên bang Nga được anh vận dụng triệt để nhưng độ khó của đề tài cũng khiến anh phải tìm hiểu sâu tài liệu chuyên ngành và trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Anh chia sẻ: “Tham gia thực hiện đề tài mới và khó giúp cảm quan thiết kế, tư duy, ý tưởng trong sản phẩm thiết kế của tôi được nâng cao. Nói rộng hơn, chính môi trường làm việc của Viện đã tạo cho đội ngũ nghiên cứu viên trẻ tính tự lập, năng động, sáng tạo, tự rèn luyện bản thân”.
Giữ vai trò dẫn dắt cả một tập thể tham gia thực hiện đề tài thiết kế tàu SN, Trung tá, ThS. Lê Văn Duyên, Trưởng phòng Vũ khí - Khí tài, cho biết: “Phòng có đến hơn 50% quân số tham gia thực hiện đề tài này, trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên. Nhưng cũng nhờ vậy, mọi người được nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu, nhất là mảng vũ khí, khí tài, hướng tới khả năng nội địa hóa hệ thống vũ khí, khí tài trên tàu”. Qua tìm hiểu, tôi được biết thêm, thế mạnh của Phòng Vũ khí - Khí tài còn thể hiện trong thiết kế, chế tạo các sản phẩm bảo đảm kỹ thuật có giá trị thực tiễn, được lắp đặt trên nhiều gam tàu khác nhau, như: bàn trượt tống đạn AK726, hệ thống báo ngập nước trong các khoang, bảng điều khiển đèn hàng hải, hệ thống giám sát và báo động mức két… Trở lại với đề tài thiết kế tàu SN, có thể nói, thành công của đề tài có sự đóng góp công sức của nhiều cán bộ, nghiên cứu viên. Giá trị của đề tài không chỉ là tạo ra sản phẩm nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) có chất lượng tốt, lần đầu tiên thực hiện thành công trong ngành thiết kế tàu quân sự Việt Nam; mà còn góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ chuyên môn của Viện. Theo đánh giá của Viện trưởng Phạm Quang Chiến, đề tài thiết kế tàu này có nhiều ý nghĩa đối với Viện và ngành đóng tàu quân sự, bởi từ trước đến nay ngành chưa có chương trình nghiên cứu tổng thể và đồng bộ về gam tàu này. Giờ đây, Viện có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị có nhu cầu để thực hiện các bước tiếp theo, như: lập dự án đầu tư đóng mới, triển khai thi công đóng mới tại các nhà máy… Đồng chí Viện trưởng cũng thông tin thêm, khi đề tài thiết kế tàu sắp “cán đích”, Viện đã được tin tưởng giao ngay nhiệm vụ mới và khó, đó là chủ trì thiết kế và phối hợp với các đơn vị chế tạo phương tiện cơ giới phục vụ quân sự. Tuy là lĩnh vực trái ngành nhưng các nghiên cứu viên rất say mê nghiên cứu và đến nay đã đạt được kết quả nhất định, đáp ứng được tiến độ đề ra. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Viện Thiết kế tàu quân sự, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một số mục tiêu cơ bản, đó là: Xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hướng tới đào tạo chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế tàu quân sự. Phấn đấu đến năm 2025, Viện thiết kế được ít nhất một gam tàu chiến và cơ bản các gam tàu bổ trợ, các gam tàu mới phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế; định hình được sản phẩm truyền thống. Viện cũng chủ động tham gia vào việc tư vấn xây dựng các chương trình, đề án đóng tàu của Quân đội; đề xuất mở mới các đề tài, nhiệm vụ KHCN có tính ứng dụng cao, thực sự cấp thiết trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp vũ khí, khí tài trên tàu và tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ một số hệ tàu mới; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ KHCN, phấn đấu doanh thu tăng từ 7-10%/năm… Nửa nhiệm kỳ đã trôi qua và Viện Thiết kế tàu quân sự vẫn đang tiếp tục nỗ lực để đạt được tất cả mục tiêu đề ra. Và lẽ tất nhiên, cán bộ, nghiên cứu viên của Viện vẫn luôn bền bỉ phấn đấu trong hành trình vươn lên khẳng định vị thế đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế tàu quân sự. Bài và ảnh: MINH ANH
|