Tin tổng hợp

CNQP&KT - Tại cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 13/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: “Phải tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực quốc tế và quan tâm quy hoạch, xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Giá trị to lớn của tài nguyên biển, đảo về kinh tế, quốc phòng đã được khẳng định trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, dù nhân dân Việt Nam đang sống trong hòa bình song vẫn còn đó nguy cơ chiến tranh, xung đột, đe dọa sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo. Do đó, kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các vùng biển, đảo là chiến lược nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm vừa khai thác hiệu quả tài nguyên vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược biển, đảo, trên các huyện đảo, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo.”1

Những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các vùng biển, đảo, các huyện đảo. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/2010/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020. Riêng quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại các huyện đảo, Bộ Công Thương có Quyết định 10147/QĐ-BCT ngày 31/12/2013 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại các huyện đảo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Thực hiện các quy hoạch, quyết định trên, các huyện đảo, nhất là huyện đảo xa bờ như Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) đã được quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng trên biển.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có huyện đảo Trường Sa.    Ảnh: CTV

Đối với Trường Sa, đây là huyện đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, mặc dù được quan tâm đầu tư song vẫn chưa tạo ra được nền tảng căn bản cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên huyện đảo. Điểm cốt yếu là chưa tạo được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đủ mạnh, mang tính kết nối giữa đảo và bờ, giữa các hoạt động khai thác với tiêu thụ, giữa khả năng đáp ứng với nhu cầu tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục của nhân dân trên đảo. Do vậy, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên huyện đảo chủ yếu vẫn được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước.

“Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo”.  

  (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

Với vị trí địa chiến lược đặc biệt, Trường Sa cần được xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, đây cũng là tầm nhìn mới trong chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các huyện đảo. Không chỉ dừng lại ở ổn định dân cư, phát triển ngư nghiệp mà còn là đô thị hóa, chính quyền hóa, du lịch hóa huyện đảo. Chỉ có như vậy, chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng mới đi vào thực chất, nhân dân trên đảo mới có điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 13/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: Phải tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực quốc tế và quan tâm quy hoạch, xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để hiện thực hóa chủ trương này, thời gian tới cần triển khai hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Trường Sa.

Đối với huyện đảo đặc thù, lại ở vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng muốn xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù rất khó thực hiện. Cơ chế chính sách đặc thù cần thể hiện rõ về: quan điểm, nội dung, giải pháp, định hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn lực con người, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và vốn đầu tư. Đồng thời, cần cơ chế đặc thù về tổ chức, sử dụng nhân lực để vận hành hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên huyện đảo với đầy đủ thiết chế bộ máy.


Thị trấn Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Thứ hai, quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng trên huyện đảo Trường Sa chủ yếu vẫn là kết cấu hạ tầng quân sự, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội còn hạn chế. Để phát triển Trường Sa thành huyện đảo trung tâm đòi hỏi phải đột phá đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Theo đó, quy hoạch phát triển phải tính tới các phương thức kết nối bờ - biển - đảo cả về phương tiện và kết cấu hạ tầng thiết yếu như cảng biển, sân bay, thông tin liên lạc, đường bộ, điện lưới... Tuy nhiên, quy hoạch Trường Sa phải nhấn mạnh yếu tố lợi ích quốc phòng. Vì Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển sẽ diễn ra nhiều hoạt động giao thương, trao đổi, thương mại, du lịch. Đặc thù này đòi hỏi phải đánh giá rõ sự tác động đến đảm bảo quốc phòng - an ninh trên biển để có quy hoạch tổng thể phù hợp, khả thi.

Thứ ba, chủ động phát triển Trường Sa thành trung tâm du lịch biển, đảo với các sản phẩm du lịch đặc thù. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển du lịch bao giờ cũng dựa trên tính đặc biệt của vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu, kích thích trí tò mò, hứng thú, khám phá của du khách. Với vị thế đặc biệt trên biển Đông, Trường Sa có đủ khả năng khai thác tiềm năng du lịch để làm nền tảng phát triển kinh tế như du lịch khám phá, lặn biển, du thuyền, du lịch trải nghiệm…

Thứ tư, phát triển đầy đủ các điều kiện văn hóa, y tế, giáo dục trên huyện đảo. Theo đó, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nguồn lực cả về cơ sở vật chất và con người cho huyện đảo. Điều đó cũng có nghĩa Nhà nước cần đầu tư xây dựng trường, lớp, bệnh viện, đội ngũ giáo viên, y bác sỹ có đủ trình độ, khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân huyện đảo.

Thứ năm, đẩy mạnh tiến độ xây dựng và vận hành khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa. Vận hành khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra các điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nội dung xây dựng khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa đã được Nghị định 44/2009/NĐ-CP quy định cụ thể: Xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm: các công trình nhà ở, đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, bưu điện, các âu tàu, khu neo đậu, các cảng cá… Xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện chuyên dùng phục vụ du lịch. Xây dựng các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng các hải đội, hải đoàn tàu cá làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng. Tổ chức đoàn kinh tế - quốc phòng với chức năng: chiến đấu, công tác và sản xuất, thực hiện nhiệm vụ làm trung tâm điều phối, tổ chức các hoạt động kinh tế và chương trình đưa dân ra đảo sinh sống. Đồng thời, cho phép xây dựng đội ngũ cán bộ giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức, duy trì, kết nối các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội thường xuyên, lâu dài, trở thành điểm tựa vững chắc cho huyện đảo trong mọi lĩnh vực.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là chủ trương, chiến lược nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, trong đó đặc biệt là trên các vùng biển, đảo. Trường Sa nằm ở vị trí địa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, việc ưu tiên nguồn lực, thay đổi, đột phá trong tư duy xây dựng, phát triển huyện đảo là cần thiết. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng sẽ dành ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng Trường Sa đồng bộ cả hệ thống bộ máy chính quyền, điều kiện văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng kinh tế và dân cư, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên quần đảo địa đầu của Tổ quốc.

Thượng tá, TS. PHÙNG MẠNH CƯỜNG

 Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, Hà Nội 2021, tr.278.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 568/2010/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1391/QĐ-TTg ngày 9/8/2010 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các khu kinh tế quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: