Bước đột phá trong ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất của Z11306/07/2022 07:32:56 AMCNQP&KT - Với tinh thần đổi mới sáng tạo, những năm qua, Nhà máy Z113 đã có bước đột phá trong ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Đây là một nhân tố quan trọng góp phần giúp Z113 vươn lên mạnh mẽ, trở thành “doanh nghiệp nghìn tỷ” thuộc tốp đầu của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI Xuyên suốt hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN) phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế luôn là “kim chỉ nam” trong thực hiện nhiệm vụ của Nhà máy Z113. Dĩ nhiên, từ buổi sơ khai trong rừng sâu núi thẳm với những máy móc, thiết bị giản đơn sản xuất phục vụ kháng chiến, cho đến một doanh nghiệp quốc phòng nòng cốt chuyên nghiệp, hiện đại như hôm nay, là biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của những người lính thợ Z113. Và điều được trao truyền qua các thế hệ chính là tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tập thể để nghiên cứu, chế thử, sản xuất nhiều loại vũ khí mới phục vụ Quân đội và các mặt hàng kinh tế phục vụ dân sinh. Lịch sử truyền thống Nhà máy Z113 còn lưu giữ những dấu mốc, sự kiện thể hiện rõ vai trò của đơn vị trong việc sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị phục vụ Quân đội và đất nước. Trong thời kỳ đổi mới và phát triển hôm nay, Nhà máy đã có điều kiện để cải tiến sản xuất, với mục tiêu nhất quán là nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động của người thợ. Giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này là Nhà máy tích cực ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Điều đáng nói, từ rất sớm (năm 1998), Z113 đã “đi trước một bước” khi thành lập Phòng Phát triển sản xuất (nay là Phòng Nghiên cứu phát triển) và chỉ sau một năm, sản phẩm mũi khoan xoay cầu được nghiên cứu chế tạo, sản xuất thành công. Hơn 20 năm qua, mũi khoan xoay cầu vẫn là một trong những sản phẩm kinh tế chủ lực, có thương hiệu của Z113. Đó là minh chứng cho thấy, với tư duy đổi mới sáng tạo, lãnh đạo, chỉ huy cùng tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy có thể tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ quốc phòng và kinh tế. Cán bộ, kỹ sư Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy Z113, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ. Trước hết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Z113 luôn xác định tầm quan trọng của việc nghiên cứu chế tạo sản phẩm quốc phòng phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, góp phần tăng sức mạnh Quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy trực tiếp chỉ đạo mọi mặt về công tác KHCN, với yêu cầu xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN mạnh. Theo đó, Nhà máy luôn rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản về KHCN quân sự phù hợp với chủ trương, định hướng của trên cũng như đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chất lượng, tư duy sáng tạo trong công việc, nhanh nhạy trong tiếp thu công nghệ tiên tiến. Do vậy, nguồn nhân lực của 2 phòng chủ lực về công tác KHCN là Kỹ thuật - Công nghệ và Nghiên cứu phát triển không chỉ tăng số lượng mà còn đảm bảo chất lượng, trong đó có cả những tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo ở Nga, Trung Quốc và một số trường có danh tiếng trong nước. Thượng tá Trịnh Quang Trung, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, cho biết: “Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Phòng đủ năng lực đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao. Phòng cũng chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy tạo điều kiện cho anh em tiếp tục học tập, nâng cao trình độ tại các trường trong và ngoài Quân đội; đồng thời mỗi cá nhân tự học, tự rèn qua thực tiễn công việc hằng ngày để tiến bộ, trưởng thành”. Vẫn theo Thượng tá Trịnh Quang Trung, Phòng Nghiên cứu phát triển mới được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ, gồm: nghiên cứu thị trường, các kênh bán hàng và nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, kinh tế. Như vậy, trọng trách của Phòng sẽ lớn hơn, yêu cầu đặt ra cao hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, kỹ sư luôn phải xác định tốt trách nhiệm, không ngại khó, sợ khổ. Quân số của Phòng đa số tuổi đời còn trẻ, đó là lợi thế nhưng nhiều khi họ lại thiếu kỹ năng trong xử lý các tình huống phát sinh. Để rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế của anh em, Trưởng phòng Trịnh Quang Trung cùng một số cán bộ “có tuổi” thường xuyên chia sẻ, trao đổi những “va vấp” trong công việc, qua đó giúp mọi người rút ra bài học cho mình. Yêu cầu đặt ra là mọi người phải tư duy logic, phát huy năng lực cá nhân để gánh vác việc tập thể, đoàn kết hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Còn Thượng tá Đỗ Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, thì cho rằng: “Con người là nhân tố quyết định nên Phòng mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ, kỹ sư trẻ đảm nhiệm, bởi ở họ có sự quyết liệt của tuổi trẻ, ham học hỏi, cầu tiến bộ”. Tìm hiểu được biết, Phòng Kỹ thuật - Công nghệ đảm nhiệm công tác kỹ thuật, nghiên cứu KHCN phục vụ sản xuất của Nhà máy nên với quân số hiện có thì Phòng luôn làm không hết việc. Nếu không ngồi bàn làm việc nghiên cứu thì cũng là bám máy bám xưởng để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong sản xuất. Đại úy, QNCN Phạm Hồng Quang, trợ lý Phòng Kỹ thuật - Công nghệ, chia sẻ: “Là kỹ thuật viên phụ trách kỹ thuật đạn súng bộ binh, tôi được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy và Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực bản thân. Không những thế, với môi trường làm việc mở, chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Được biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Phạm Hồng Quang tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: sử dụng phần mềm mô phỏng để tính toán thiết kế mô phôi trên các chặng công nghệ nhằm tối ưu dụng cụ và bước nguyên công; ứng dụng công nghệ in 3D và phương pháp cảm ứng nhanh để tìm phương án thiết kế tối ưu… Quang cũng có thành tích đáng kể khi đã tham gia thực hiện 6 đề tài, nhiệm vụ và hiện là chủ nhiệm 1 đề tài cấp Tổng cục. TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ Xét về năng lực máy móc, thiết bị, nhà xưởng… Nhà máy Z113 “tự nhận” vẫn còn hạn chế vì một số dây chuyền công nghệ đã có thâm niên hàng chục năm khai thác sử dụng. Khi chưa đủ nguồn lực đầu tư, Nhà máy thực hiện phương châm “giữ tốt dùng bền” bằng cách phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong việc nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Do vậy, mỗi năm Nhà máy có hàng trăm sáng kiến, cải tiến được áp dụng trong sản xuất, với giá trị làm lợi hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. ![]() Trình diễn thử nghiệm giàn phóng chữa cháy do Nhà máy Z113 nghiên cứu chế tạo. Ảnh: CTV Điểm nhấn nổi bật trong công tác KHCN của Z113 không chỉ là số lượng đề tài, sáng kiến mà quan trọng hơn, từ đề tài đã thành sản phẩm ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Trong những năm qua, Nhà máy đã chủ trì, phối hợp thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ hàng chục đề tài, nhiệm vụ các cấp, trong đó có nhiều đề tài được đánh giá cao, góp phần nâng cao tính tự chủ, chủ động trong sản xuất, tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm nhập khẩu từ nước ngoài, cung cấp kịp thời cho các lực lượng làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. 10 năm trở lại đây, Nhà máy đã nghiên cứu, chế thử, đưa vào sản xuất 20 sản phẩm mới, trong đó có nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị cao… Cùng với nghiên cứu phát triển các sản phẩm quốc phòng, Nhà máy cũng tích cực thực hiện các đề tài, nhiệm vụ phục vụ sản xuất kinh tế, như: thuốc nổ nhũ tương chất lượng cao, các loại mồi nổ, liều phóng quả nổ, thiết bị chữa cháy… Trong đó, việc nghiên cứu phát triển thiết bị chữa cháy là một bước đột phá của Nhà máy trong ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất. Đây cũng là bước đột phá trong tư duy của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bởi, thiết bị chữa cháy là sản phẩm trái ngành của Z113 và ở Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất. Hơn thế, mới chỉ nghe tên cũng đã hiểu độ khó của sản phẩm, đó là: quả cầu chữa cháy, ống phóng chữa cháy, giàn phóng chữa cháy và phương tiện bay không người lái chữa cháy. Vậy nhưng, dưới sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy, nhóm kỹ sư trẻ Z113 đã biến “điều không thể thành có thể” để giờ đây, sản phẩm quả cầu chữa cháy đã được sản xuất phục vụ dân sinh; các sản phẩm còn lại cũng có triển vọng gia nhập thị trường thiết bị chữa cháy trong tương lai không xa.
Có thể nói, năng lực trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất quốc phòng và kinh tế đã được Z113 khẳng định bằng những sản phẩm cụ thể. Không những thế, Nhà máy còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, tài chính, vật tư, văn phòng… Thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác kỹ thuật, nghiên cứu KHCN nhằm xây dựng nền sản xuất tiên tiến, hiện đại, tạo ra các sản phẩm quốc phòng và kinh tế mang thương hiệu Z113. Đại tá Trần Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z113, nhấn mạnh: “Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy luôn khuyến khích và đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Với tinh thần “tiến quân vào khoa học - công nghệ” được chứng minh bằng các hoạt động thực tiễn, Nhà máy Z113 đã và đang đi đúng hướng trong tiến trình phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, xứng đáng là cơ sở sản xuất quốc phòng nòng cốt của ngành CNQP Việt Nam. Bài và ảnh: LAM THU
|