Thực hành phong cách làm việc Hồ Chí Minh25/05/2022 09:18:30 AMCNQP&KT - Phong cách làm việc Hồ Chí Minh phản ánh những tiêu chí, chuẩn mực về phương pháp, cách thức, tác phong, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, quần chúng, đúng pháp luật và nêu gương. Học và làm theo phong cách làm việc của Người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người cán bộ, đảng viên trong Quân đội hiện nay. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thực hành tác phong làm việc quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ và khoa học. Sự vận động tổng thể của những yếu tố trên đã hợp thành phong cách làm việc đặc trưng và khoa học của Người, là tấm gương để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu học tập, noi theo. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới, không chỉ đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn quân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực toàn diện, mà còn phải có phong cách công tác khoa học, phù hợp với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do vậy, việc thực hành phong cách làm việc Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên các đơn vị quân đội là hoạt động hết sức cần thiết nhằm củng cố, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Điều đó được biểu hiện trên một số nội dung cụ thể sau: Một là, học tập và làm theo phong cách làm việc dân chủ: Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương tiêu biểu về phong cách làm việc dân chủ. Chính phong cách đó của Người đã tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Người luôn đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, phải có tác phong làm việc dân chủ thật sự chứ không phải giả tạo, hình thức. Bởi theo Người, mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể, và mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, triệt tiêu dân chủ. Thực hành phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh thực chất là quá trình nhằm phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể; giữ vững nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đồng thời, đây còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng quan liêu, gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau, có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”1. Theo Người, dân chủ là phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Trong mọi hoàn cảnh, nếu lợi ích cá nhân ảnh hưởng đến tập thể, thì phải biết hy sinh lợi ích cá nhân và không để cho chủ nghĩa cá nhân nhen nhóm, phát triển. ![]() Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và tìm hiểu hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (nay thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) (năm 1957). Ảnh: TL Hai là, học tập và làm theo phong cách làm việc quần chúng: Phong cách làm việc quần chúng là một nội dung quan trọng hàng đầu trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn gương mẫu thực hành và đặt ra yêu cầu đối với người cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự bình dị, đến với quần chúng bằng tất cả sự chân thành, yêu thương, quý trọng. Theo Người, phẩm chất không thể thiếu để hình thành phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên là luôn tin yêu, tôn trọng, lắng nghe ý kiến quần chúng trong cơ quan, đơn vị; biết giải quyết “đúng lý, thấu tình” kiến nghị của quần chúng; biết tiếp thu, sửa chữa những góp ý, phê bình từ quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng, mà phải cảm hóa quần chúng. Có như vậy thì cán bộ, đảng viên mới làm công tác chính trị, tư tưởng có hiệu quả đến từng người, mới quy tụ và đoàn kết mọi thành viên trong đơn vị thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, từ đó mới hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Ba là, học tập và làm theo phong cách nêu gương: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”2 và “từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu”3. Bởi thế, mỗi cán bộ, đảng viên các đơn vị Quân đội phải luôn tự học, tự rèn, tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị Quân đội hiện nay, phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình; cần khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, của quần chúng để từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác, góp phần hoàn thiện phong cách làm việc của mình. Phong cách đó chính là “miệng nói tay làm” và hoàn toàn đối lập với việc “nói một đằng, làm một nẻo”, làm trái với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, nếu chính mình tham ô mà lại bảo người khác phải liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, thậm chí tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân, sống hoang phí, xa hoa... thì chỉ là giả dối, những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục. Những người như thế là không có năng lực thực hành, không thể dùng vào công việc thực tế quan trọng được. ![]() Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ (năm 1946). Ảnh: TL Bốn là, học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học: Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu lý tưởng về tác phong nghiêm túc và sự tận tụy, hăng say trong công việc. Đối với người cán bộ, đảng viên, Người thường nhắc nhở phải có phong cách làm việc khoa học, nghĩa là “làm việc đúng hơn và khéo hơn”4. Người chỉ rõ: Làm việc “đúng hơn” nghĩa là cách làm việc của cán bộ, đảng viên phải đúng chức trách, nhiệm vụ và chức năng được giao; phải sát với từng nhiệm vụ của đơn vị và phải mang tính kế hoạch, sáng tạo và hiệu quả... Còn làm việc “khéo hơn” là cách làm việc luôn thực hiện được phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải tùy điều kiện cụ thể mà đề ra phương pháp, cách thức phù hợp, đạt hiệu quả cao. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với nghề nghiệp, hăng say trong công việc, làm việc có chương trình, kế hoạch phù hợp, quyết tâm cao và biện pháp phong phú, linh hoạt để “tổ chức sự thi hành cho đúng”5. Sau khi hoàn thành công việc, dù thành công hay thất bại, thì người cán bộ, đảng viên phải biết “nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận”6 để làm “khuôn phép” cho những công việc khác và đó là “chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”7. Năm là, học tập và làm theo phong cách làm việc đúng pháp luật: Phong cách làm việc đúng pháp luật là cơ sở pháp lý để cán bộ, đảng viên các đơn vị Quân đội giải quyết tốt các nhiệm vụ trong quá trình sinh hoạt và công tác. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nghiên cứu để có kiến thức toàn diện, nắm chắc quy định của pháp luật; đồng thời, phải làm việc đúng nguyên tắc, quy chế, quy định về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, truyền thống văn hóa dân tộc, địa phương và đơn vị. Thực hành phong cách làm việc Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên các đơn vị Quân đội giải quyết hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao. Quá trình này cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức, các lực lượng, đặc biệt là vai trò của cấp ủy đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị cấp trên, và sự nỗ lực, tự giác trong học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đại úy QNCN ĐỖ THỊ THU Đoàn An Điều dưỡng 198 - Học viện Lục quân
Tài liệu tham khảo: 1, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 284, 272. 2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr. 552, 394 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr. 285. 6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.2000, tr. 231, 233.
|