Tin tổng hợp

CNQP&KT - Trung tướng, PGS. Phan Thu không chỉ là một vị tướng có uy tín trong Quân đội, mà còn là nhà khoa học quân sự có tên tuổi của đất nước. Thời chống Mỹ, chính những nghiên cứu của ông cùng đồng đội ở Tiểu đoàn trinh sát nhiễu đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tướng Phan Thu chính thức trở thành người lính. Con đường binh nghiệp của ông khởi đầu ở Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ đây, ông trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự của Quân chủng và tham gia vào cuộc chiến tranh điện tử với đế quốc Mỹ.

Có thể nói, thời quân ngũ của Trung tướng Phan Thu gắn liền với bao gian khó, vất vả cùng những nỗ lực “vượt qua thách thức”. Được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ, ngay từ những năm 1964-1965, ông bắt đầu nghiên cứu chống nhiễu và chống tên lửa Shrike của Mỹ đánh vào ra-đa của pháo cao xạ. Những đề tài cải tiến kỹ thuật cho ra-đa pháo COH-9A của ông và đồng đội Hoàng Văn Khoa là bắt mục tiêu bay thấp, chống nhiễu tiêu cực khi máy bay Mỹ bay thấp, lẻn vào địa hình, địa vật. Ông và các đồng đội đã kết hợp sử dụng nguyên lý bám sát mục tiêu của ra-đa Đức RZ-2 vào cho ra-đa COH-9A, sử dụng khí tài quang học cho ra-đa pháo COH-4. Về công tác chống tên lửa Shrike của Mỹ, Phan Thu nghiên cứu từ quả tên lửa Shrike mà địch bắn vào ra-đa COH-9A của đại đội 1, pháo cao xạ 57mm của ta, đã có tác dụng trong một giai đoạn nhất định.


Trung tướng, PGS, Anh hùng LLVTND Phan Thu. Ảnh: TL

Trong giai đoạn đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, trinh sát điện tử và gây nhiễu là biện pháp hàng đầu của địch. Với hệ thống gây nhiễu của chúng, tất cả các loại ra-đa cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch. Trước thực tế vô cùng khó khăn ấy, do sớm nhận định được tình hình, năm 1967, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký quyết định thành lập Đội trinh sát nhiễu, và giao cho Phan Thu làm đội trưởng. Giai đoạn này, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có hai quyết định quan trọng để Tổ quốc không bị bất ngờ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Đó là điều Trung đoàn tên lửa 238 (Đoàn Hạ Long) và Đội trinh sát nhiễu vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), sau đó lên Cà Ròn (km 54 đường 20) phía Tây Quảng Bình để nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu khi B-52 vào đánh đường vận chuyển chiến lược 559 (đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh). Do có thành tích xuất sắc trong giai đoạn này, Đội trinh sát nhiễu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng đối với Trung tướng Phan Thu, ngày 25/8/1970, ông cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi đó, ông đang là Phó phòng Quân báo kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Nhiễu.

“Chúng ta đã giành thắng lợi bằng chính thực lực của mình, bằng sức mạnh của mình mà không hề có sự may rủi nào. Trong trận chiến, chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, trong tay có cẩm nang “Cách đánh B-52” làm bảo bối, có phương tiện không bị nhiễu “vạch mặt B-52”.

 (Trung tướng, PGS. Phan Thu)

Một trong những thành tích xuất sắc của Trung tướng Phan Thu chính là góp công “vạch nhiều tìm thù”, bắn tan xác pháo đài bay B-52. Qua trinh sát nhiễu những năm 1968-1970 trên đường Trường Sơn, Đội trinh sát nhiễu đã phát hiện B-52 không gây nhiễu đối với ra-đa K8-60 trang bị cho pháo phòng không 57mm mặt đất. Đây chính là chỗ “hở sườn” của địch. Nắm được điểm yếu đó, Phan Thu đề xuất đề tài cải tiến kỹ thuật giúp ra-đa tên lửa SAM2 chống nhiễu B-52, bằng cách lắp ghép phần tử mục tiêu từ ra-đa K8-60 cho đài điều khiển tên lửa SAM2 để hỗ trợ bắt B-52. Đầu năm 1972, đề tài của ông đã áp dụng lần đầu ở Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 274) được bố trí ở Quảng Bình. Trong gần 2 tháng, ra-đa K8-60 đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52 ở cự ly 45km, không hề bị nhiễu và bị tên lửa chống ra-đa của địch bắn vào. Trên cơ sở thử nghiệm đó, từ giữa năm 1972, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã cho triển khai đề tài ở khu vực Hà Nội. Việc đưa loại ra-đa cũ của pháo phòng không mặt đất vào cuộc, đã góp phần đắc lực cho SAM2 bám bắt mục tiêu B-52 và làm cho kẻ địch vô cùng bất ngờ. Nhờ có cách đánh sáng tạo và độc đáo này, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi Không quân Mỹ đánh vào Hà Nội, đã bị quân dân ta bắn hạ 34 chiếc B-52. Với chiến công đặc biệt xuất sắc này, Phan Thu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.


Bộ đội ra-đa bám nắm mục tiêu trước cuộc tập kích đường không của Mỹ năm 1972. Ảnh: TL

Sau chiến thắng vang dội “Hà Nôi - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Phan Thu còn lập được nhiều thành tích trên các cương vị công tác khác nhau; ông đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, trưởng thành, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội và được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng). Với ông, dù đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Quân đội, nhưng thời kỳ góp công “vạch nhiễu tìm thù” vẫn là những tháng năm đáng nhớ nhất. Đến nay, đã nửa thế kỷ trôi qua và ở độ tuổi ngoài 90, Trung tướng Phan Thu vẫn cần mẫn nghiên cứu và viết sách về cuộc chiến. Ông đã xuất bản hai cuốn sách là: “Cuộc đối đầu không cân sức” và “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? - Những chuyện bây giờ mới kể” gồm những lý giải khoa học về kỹ thuật đánh B-52 cùng những nhận định về tinh thần chiến đấu anh dũng, trí tuệ và sáng tạo của bộ đội ta. Điều mà vị tướng - nhà khoa học quân sự tài năng Phan Thu muốn gửi gắm là niềm tự hào về ý chí và trí tuệ của quân và dân ta đã bắn rơi B-52 - điều mà cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có nước nào làm được. Ông khẳng định: “Chúng ta đã giành thắng lợi bằng chính thực lực của mình, bằng sức mạnh của mình mà không hề có sự may rủi nào. Trong trận chiến, chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, trong tay có cẩm nang “Cách đánh B-52” làm bảo bối, có phương tiện không bị nhiễu “vạch mặt B-52”. Ta đã tìm ra những điểm yếu mà địch không ngờ tới, quật đổ thần tượng B-52 xuống bùn đen theo cả nghĩa bóng và xuống bùn đen ở hồ Ngọc Hà, theo nghĩa đen. Đó là bài học đau đớn của Mỹ và cũng là bài học cho bất cứ kẻ nào có âm mưu xâm lược Tổ quốc ta. Một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước”.

ĐINH HẢI ĐĂNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: