Hoạt động xúc tiến thương mại Quân đội: Phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường07/04/2022 09:19:22 AMCNQP&KT - Năm 2021, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) trong Quân đội đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu. Đây là tiền đề để năm 2022 hoạt động này tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò cầu nối giữa DNQĐ và thị trường, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. KHAI THÁC HIỆU QUẢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI SỐ Theo báo cáo của Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội (Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng), năm 2021, Trung tâm đã tích cực, chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết, xử lý các phát sinh, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, Trung tâm đã xây dựng, đề xuất với Bộ Công Thương 4 chương trình cấp quốc gia về XTTM (3 chương trình hội chợ, 1 chương trình giao thương). Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức thành công 9 chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ngành theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân. Trong đó, đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ ngành kinh tế Quân đội năm 2021 theo hình thức trực tuyến với quy mô hơn 300 điểm cầu với nội dung: “Hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”; tổ chức lớp bồi dưỡng cho lãnh đạo, cán bộ các DNQĐ những thông tin, kiến thức mới về quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, giúp cán bộ DNQĐ nhận biết, bảo vệ, khai thác và phát triển tốt tài sản trí tuệ, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị, thương hiệu doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm chắc những quy định mới của Bộ Luật Lao động 2019... Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan gian trưng bày của Tập đoàn Viettel tại Hội chợ trên không gian mạng "Kinh tế - Quốc phòng trong kỷ nguyên số" (năm 2021). Ảnh: THÁI ANH Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã nâng cấp tính năng, giao diện và phương án vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử các DNQĐ (tại địa chỉ www.dnqd.vn); đồng thời, cập nhật, bổ sung các thông tin mới về doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ lên Sàn. Hiện Sàn giao dịch là kênh thông tin tập trung cho các DNQĐ giới thiệu năng lực; trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa doanh nghiệp (nhà cung cấp) và người tiêu thụ (khách hàng) với khối lượng lớn. Ngoài ra, Sàn cũng là giải pháp hợp tác và giao dịch giữa nhiều đối tượng khác nhau, cho phép các doanh nghiệp mua, bán và hợp tác hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu, giúp tiết kiệm chi phí và đạt lợi nhuận mong muốn thông qua việc đặt hàng, xác nhận giao dịch diễn ra tự động và cập nhật thông tin về việc thực hiện đơn hàng một cách thường xuyên. Có thể nói, hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử đã góp phần thay đổi cơ bản về hình thức XTTM bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thương mại hàng hóa của DNQĐ.
Đặc biệt, năm 2021, hoạt động nổi bật của công tác XTTM Quân đội là đã tổ chức thành công Triển lãm - Hội chợ trên không gian mạng (VIDEX 2021) với sự tham gia của hơn 130 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Lễ Khai mạc Triển lãm - Hội chợ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên không gian mạng, thu hút sự tham gia của hơn 260 điểm cầu của các đơn vị, DNQĐ, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Điểm nổi bật của VIDEX 2021 là các gian triển lãm, các sản phẩm được số hóa dưới định dạng 2D (video, hình ảnh, catalog…), 3D (không gian 3 chiều). Ban Tổ chức đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp số hóa sản phẩm và đưa lên website. Các sản phẩm số hóa có thể tương tác được đã mang lại trải nghiệm mới cho khách thăm quan, thu hẹp khoảng cách về tính chân thực giữa sự kiện được tổ chức trên không gian mạng và theo phương thức truyền thống trên thực địa. Trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ, đã có 56 cuộc hội thảo, giao thương trực tiếp và trực tuyến giữa các đơn vị, DNQĐ và các doanh nghiệp trong nước; 23 biên bản hợp tác chiến lược, hợp đồng kinh tế được các bên ký kết với giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đăng ký kết nối giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang lại lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài. Có thể nói, VIDEX 2021 là một trong những sự kiện tiên phong giới thiệu về tiềm lực khoa học - công nghệ (KH-CN) quân sự, đóng góp quan trọng của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; tạo sự bứt phá, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi số quốc gia… ![]() Các đại biểu xem rô-bốt trinh sát phát hiện phóng xạ và hóa học do Binh chủng Hóa học nghiên cứu, sản xuất trưng bày tại Hội chợ trên không gian mạng “Kinh tế- Quốc phòng trong kỷ nguyên số“ (năm 2021). Ảnh: CTV NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUÂN ĐỘI Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNQĐ nói riêng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid -19. Để giúp các DNQĐ có cơ hội từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm; phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững, công tác XTTM trong Quân đội năm 2022 xác định tập trung vào các nội dung chính như: Xây dựng Chương trình cấp quốc gia về XTTM (dự kiến sẽ tổ chức 4 chương trình: Triển lãm - Hội chợ quốc tế kết nối giao thương và cung cầu công nghệ tại Lào và Campuchia; tổ chức Triển lãm “Công nghệ cao và các giải pháp công nghệ phục vụ quốc phòng, dân sinh” tại thực địa và trên không gian mạng (VIDEX 2022); tổ chức giao thương và khảo sát thị trường Nhật Bản). Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngành kinh tế quân đội năm 2022 (4 lớp); duy trì vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử các DNQĐ, trong đó tiếp tục nâng cấp giao diện và các tính năng mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và thương mại điện tử…
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác XTTM trong Quân đội năm 2022 cũng xác định tập trung vào các khâu đột phá, như: Đổi mới phương hướng xây dựng các chương trình cấp quốc gia về XTTM, phù hợp với định hướng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; đổi mới hình thức tổ chức các cuộc triển lãm - hội chợ, mở rộng thị trường và liên kết với các đối tác, tận dụng và ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào các hoạt động; tổ chức các chương trình XTTM, hợp tác quốc tế về KH-CN, đặc biệt là hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng, nhất là công nghệ cao, công nghệ mới, tiến tới làm chủ công nghệ trong một số lĩnh vực thiết yếu phục vụ Quân đội; đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh trên các phương tiện truyền thông… Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các DNQĐ cũng cần nỗ lực, chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng và thị trường, phát huy tốt tinh thần nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành. Bên cạnh đó, DNQĐ cần chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng của hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, DNQĐ cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới XTTM để được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động XTTM đem lại. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn thông tin XTTM đáp ứng yêu cầu của sản xuất; tích cực tham gia các sàn giao dịch tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nhận định, năm 2022 sẽ là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với các DNQĐ, song với việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác XTTM sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Với sự cố gắng vươn lên của các DNQĐ, tin tưởng rằng, các doanh nghiệp sẽ tập trung đổi mới công nghệ, định hướng chiến lược phát triển, tổ chức cơ cấu lại sản xuất, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, thị trường trong nước và quốc tế. PHƯƠNG ANH
|