Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng Việt Nam14/03/2022 09:56:11 AMCNQP&KT - Sự phát triển tư duy lý luận luôn là yếu tố nền tảng để định hướng chiến lược và hoạch định các kế hoạch phát triển một cách đúng đắn, hiệu quả. Điều này là chân lý khách quan đối với mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Từ 1986 đến nay, qua 35 năm đổi mới, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về CNQP được thể hiện trong rất nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có 3 cột mốc nổi bật nhất là: Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 20/7/1993 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2000”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết số 05/NQ-TW (gọi tắt là Nghị quyết 05) là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về CNQP, được ban hành trong bối cảnh quá trình đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu đầu tiên. CNQP Việt Nam khi đó “còn nhỏ bé so với yêu cầu của đất nước, trang bị công nghệ đã cũ, mới sản xuất được một số loại vũ khí thông thường”. Để thực hiện chủ trương: “Xây dựng và phát triển CNQP là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của nền kinh tế quốc dân, của các ngành, các cấp”, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Các quan điểm chỉ đạo về xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam nêu trong Nghị quyết 05 đã trở thành những nguyên tắc cơ bản, lâu dài, đó là: quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân; kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; kết hợp sản xuất với sửa chữa; tự lực, tự cường kết hợp với hợp tác quốc tế; phát triển CNQP phù hợp với từng bước phát triển của nền kinh tế đất nước… Chính vì vậy, mặc dù Nghị quyết 05 xác định mục tiêu đến năm 2000, nhưng thực chất tư duy lý luận còn tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 27/NQ-TW (gọi tắt là Nghị quyết 27) ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển CNQP đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 05 đã tạo ra bước đột phá quan trọng để hình thành những nền tảng cốt lõi trong chủ trương thể chế hóa về mặt nhà nước vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của CNQP Việt Nam. Lần đầu tiên, cơ chế phân công phụ trách ở cấp Chính phủ đối với nhiệm vụ CNQP được thiết lập. Nguồn vốn đầu tư cho CNQP không chỉ khép kín trong phạm vi ngân sách quốc phòng mà đã bắt đầu được cân đối từ ngân sách phát triển của quốc gia. Nhờ đó, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu làm chủ thiết kế - công nghệ chế tạo VKTBKT cho sư đoàn bộ binh đủ quân; hoàn thành các dây chuyền sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ; hình thành cụm CNQP phía Nam; thực hiện các dự án đóng tàu chiến đầu tiên và một số dự án tên lửa… Nghị quyết 05 cũng đã tạo ra xung lực mới cho việc thúc đẩy nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong CNQP, góp phần khẳng định vị thế chủ lực của các sản phẩm, như: vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí chế tạo máy và cơ khí tiêu dùng, đóng tàu… Tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn gắn với Nghị quyết 05 cũng chính là nền tảng để xây dựng và ban hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp (năm 2003) và Pháp lệnh CNQP (năm 2008). Nhờ đó, đã cơ bản khắc phục tâm lý và thực trạng khép kín, biệt lập để kết nối CNQP với nền kinh tế quốc dân và thị trường quốc tế. Thử nghiệm vũ khí mới do Công nghiệp quốc phòng sản xuất. Ảnh: TRẦN LÊ Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 05 và Nghị quyết 27, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 06) về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nghị quyết này đã kế thừa và phát triển các luận điểm mới về CNQP Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là định hướng chiến lược và các giải pháp then chốt để thích ứng với tình hình mới: Một là, kiện toàn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP và cơ chế phối hợp các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP. Hai là, định hướng công tác chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ thời chiến của CNQP, duy trì năng lực của các dây chuyền vũ khí trong thời bình, các công suất dự trữ động viên công nghiệp, thế bố trí CNQP trên địa bàn Bắc - Trung - Nam, dự trữ quốc gia về vật tư chiến lược… Ba là, sắp xếp lại và chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý của các nhà máy CNQP và các viện nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự. Bốn là, tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao và các chương trình nghiên cứu thiết kế vũ khí mới, trong đó ưu tiên vũ khí có điều khiển, vũ khí thông minh, công nghệ cao. Năm là, mở rộng hội nhập quốc tế về CNQP, đặc biệt là sự kiện lần đầu tiên Việt Nam tổ chức trưng bày vũ khí “Made in Vietnam” tại Hội chợ và Triển lãm quốc tế về quốc phòng Indonesia 2018 (Indo Defence 2018). Về tư duy lý luận, điểm nổi bật nhất của Nghị quyết 06 là đã tiếp tục làm rõ hơn tiêu chí phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường với 5 nội hàm chủ yếu gồm: (1) CNQP phải được xây dựng trên nền tảng của đường lối độc lập, tự chủ của quốc gia về quốc phòng, an ninh; chủ động tạo ra những chủng loại VKTBKT đáp ứng yêu cầu độc đáo, sáng tạo, bí mật, bất ngờ của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân. (2) CNQP phải có khả năng sẵn sàng chuyển trạng thái và khả năng duy trì sản xuất vũ khí ngay cả trong điều kiện chiến tranh hoặc khi bị bao vây, cấm vận, phong tỏa. (3) CNQP phải có khả năng sinh tồn trong thời chiến, phải trù tính các giải pháp an ninh, bảo mật, bảo vệ tiềm lực CNQP và gắn kết, đan xen, lồng ghép tiềm lực CNQP với công nghiệp quốc gia. (4) CNQP phải có năng lực và cơ cấu đồng bộ từ khâu nghiên cứu, công nghệ, vật tư... để có thể tự bảo đảm chuỗi sản xuất vũ khí từ khâu nguyên liệu cho tới tổng lắp cuối cùng. (5) CNQP cần tăng cường hội nhập quốc tế, kết nối vào thị trường thế giới về vũ khí và công nghệ quân sự; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng và kinh tế.
Kế thừa các quan điểm nêu trên, chủ trương, định hướng của Đảng ta về xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam tiếp tục được phát triển lên một bước mới tại Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên nhiệm vụ CNQP được đề cập nhiều nhất (5 lần) trong các văn kiện Đại hội. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khi định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đã nêu nhiệm vụ: “Phát triển CNQP, an ninh kết hợp phục vụ dân sinh”; khi đề cập tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới đã xác định: “Xây dựng, phát triển CNQP, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế -xã hội”. Còn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, xác định: “Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là một bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang”. Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, khi đánh giá thực trạng đã nhận định: “CNQP, an ninh đã được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, trang bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhu cầu thiết bị, máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”; khi đề xuất kế hoạch nhiệm vụ 2021-2025: “Tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là các loại vũ khí chiến lược”. Kiểm tra chất lượng sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z125. Ảnh: LÂM MINH Như vậy, có 2 điểm mới và nổi bật nhất trong tư duy lý luận về phát triển CNQP Việt Nam mà các văn kiện của Đại hội XIII đã định hình rõ nét đó là: (1) Xác định CNQP không chỉ là một bộ phận mà còn phải trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; (2) CNQP không chỉ có nhiệm vụ từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang mà còn phải vươn lên nghiên cứu, chế tạo được những chủng loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược. Cần khẳng định, CNQP luôn là một bộ phận cấu thành của công nghiệp quốc gia, nhưng muốn trở thành mũi nhọn thì nhất thiết phải rất nỗ lực để phát triển song hành cả 2 chuyên ngành: công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng. Mũi nhọn về công nghệ quân sự là để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; đặc biệt là ưu tiên cho các quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh... Muốn vậy, phải tranh thủ những cơ hội của cuộc Cách mạng về công nghệ quân sự và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đạt được mục tiêu chiến lược là “vượt ngưỡng phát triển trung bình của CNQP thế giới”. Tức là phải tiến tới chế tạo các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí có điều khiển và vũ khí tích hợp hệ thống… Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển công nghệ quân sự với 5 lĩnh vực then chốt là: vũ khí lục quân, đóng tàu quân sự, hàng không vũ trụ quân sự, khí tài quân sự và vật tư kỹ thuật quân sự. Cùng với đó, CNQP phải phát huy lợi thế và vai trò mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng cho công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù, sở trường: cơ khí chính xác, đóng tàu, hóa nổ, điện tử - viễn thông, công nghệ số, hàng không vũ trụ, vật liệu mới, phương tiện không người lái, thiết bị mô phỏng, tự động hóa… Mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng phải được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do CNQP chế tạo, sản xuất có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, quá trình đầu tư phát triển tiềm lực CNQP phải trù tính kỹ các lợi ích lưỡng dụng liên quan tới năng lực công nghệ, đội ngũ, hạ tầng, sản phẩm, thị trường… Mũi nhọn về công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng cũng chính là nội hàm trong xây dựng, phát triển CNQP theo hướng “hiện đại và lưỡng dụng” và thí điểm mô hình tổ hợp CNQP công nghệ cao của Việt Nam.
Điểm mới nổi bật khác trong Văn kiện Đại hội XIII liên quan tới nhiệm vụ CNQP chính là lần đầu tiên đặt ra yêu cầu “chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược”. Mục tiêu quân sự, quốc phòng của Việt Nam nói chung và xây dựng, phát triển CNQP nói riêng là để bảo vệ Tổ quốc, tức là để phòng thủ đất nước chứ không phải để đe dọa vũ lực và gây chiến tranh với các nước khác. Khái niệm “vũ khí có ý nghĩa chiến lược” phải được hiểu một cách đúng đắn là: có ý nghĩa chiến lược để phục vụ đường lối quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam… Vì vậy, khái niệm này hoàn toàn khác về bản chất với thuật ngữ “vũ khí tấn công chiến lược” mà thế giới đang sử dụng liên quan tới các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa… Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phòng thủ không có nghĩa là không quan tâm tới sức mạnh răn đe cần thiết, tối ưu và hiệu quả để bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng phải nhận thức được về những tổn hại khôn lường nếu chúng dám gây chiến với Việt Nam. Yêu cầu vừa hết sức cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài này đòi hỏi CNQP nước ta phải có sự phát triển mang tính đột phá để có thể sớm làm chủ được những chủng loại “vũ khí có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam” phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, từng bước định hình rõ nét và đầy đủ hơn về phạm trù “vũ khí có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam”. Xuất phát từ những quan điểm cơ bản của Đảng ta về quốc phòng, an ninh nói chung và phát triển CNQP nói riêng, khi xác định nội hàm của phạm trù này cần lưu ý tới một số tiêu chí cốt lõi sau đây: Thứ nhất, có khả năng răn đe hiệu quả, làm nòng cốt để nhân lên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thứ hai, trực tiếp đáp ứng yêu cầu cấp bách nhất về quân sự, quốc phòng trên các hướng chiến lược và các nhiệm vụ ưu tiên trọng điểm trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Thứ ba, có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến so với thế giới, có uy lực đột phá, có phạm vi tác chiến vượt trội và đủ mạnh… để sẵn sàng đối phó thắng lợi với các loại hình chiến tranh, kể cả tình huống mà kẻ địch sử dụng lợi thế về vũ khí công nghệ cao. Thứ tư, phải là vũ khí do Việt Nam làm chủ để đáp ứng yêu cầu đặc thù của nghệ thuật quân sự Việt Nam và tuân thủ nghiêm các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thứ năm, góp phần khẳng định niềm tin của người dân Việt Nam đối với vị thế, sức mạnh và nền hòa bình của đất nước. Với những tiêu chí nêu trên, nhiệm vụ làm chủ “vũ khí có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam” là thách thức lớn lao, lâu dài để xây dựng và phát triển CNQP không chỉ trong nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn hướng tới tầm nhìn 2030 và 2045. Sự phát triển tư duy lý luận luôn là yếu tố nền tảng để định hướng chiến lược và hoạch định các kế hoạch phát triển một cách đúng đắn, hiệu quả. Điều này là chân lý khách quan đối với mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực CNQP. Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
|