Tin xúc tiến thương mại

CNQP&KT - Sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của Quân đội. Đối với các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, trong giai đoạn 2012-2021, hoạt động sản xuất kinh tế đã có sự tăng trưởng khá cao, nhưng so với lợi thế tiềm năng thì vẫn chưa tương xứng.

“CÁI ĐƯỢC” LÀ CƠ BẢN

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2012-2021 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2022-2030 diễn ra cuối tháng 12/2021, Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hải, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), cho rằng: Nhìn tổng quan, trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội, các doanh nghiệp trong Tổng cục CNQP đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện chỉ có duy nhất một doanh nghiệp gặp khó khăn, còn lại hầu hết các đơn vị sản xuất-kinh doanh (SXKD) ổn định và tăng trưởng, giải quyết tốt việc làm, đời sống cho người lao động, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất quốc phòng.

Theo báo cáo của Bộ Tham mưu Tổng cục CNQP, trong những năm qua, Tổng cục CNQP được trên quan tâm đầu tư nâng cao năng lực các dây chuyền sản xuất phục vụ quốc phòng và kinh tế. Cùng với đó, các đơn vị đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Khi sản xuất công nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp quốc phòng vẫn có những thuận lợi nhất định, như: uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp quân đội, lợi thế về đất quốc phòng, được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dây chuyền sản xuất quốc phòng kết hợp với kinh tế; nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, có kỷ luật. Các đơn vị sản xuất quốc phòng còn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Nhờ thế, trong giai đoạn 2012-2021, các doanh nghiệp trong Tổng cục CNQP đã “gặt hái” được những kết quả khả quan. Doanh thu từ sản xuất kinh tế ước đạt 102.000 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng doanh thu của Tổng cục (bình quân gần 10.200 tỷ đồng/năm), tăng trưởng 6,7%/năm; lợi nhuận tăng 4,2%/năm; nộp ngân sách tăng 4,4%/năm; xuất khẩu tăng 6,7%/năm.


Phơi sấy pháo hoa nổ tại Xí nghiệp 4, Nhà máy Z121.  Ảnh: MINH TUẤN

Một số đơn vị có tỷ trọng doanh thu kinh tế cao hàng đầu, đó là: Nhà máy Z176 (chiếm 92%), Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật CNQP (chiếm 87%), Nhà máy Z175 (chiếm 80,4%), Nhà máy Z121 (chiếm 70,8%), Nhà máy Z127 (chiếm 64,6%). Các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu cao là: Z176, Z189, Z117, Z183. Một số sản phẩm kinh tế tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, như: vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, sản phẩm cơ khí tiêu dùng, các sản phẩm cao su kỹ thuật, dây và cáp điện hạ thế, tàu kinh tế và tàu xuất khẩu, sản phẩm may mặc...

Trong giai đoạn 2012-2021, các đơn vị trong Tổng cục CNQP đã triển khai 37 dự án, 100 báo cáo kinh tế - kỹ thuật với tổng mức đầu tư 8,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất kinh tế và lưỡng dụng. Đến nay, có 20 dự án, 92 báo cáo kinh tế kỹ thuật được đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như: “Dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp (thuốc nổ nhũ tương, thuốc nổ Anfo)” tại các nhà máy: Z113, Z114, Z115, Z121, Z131; “Dây chuyền sản xuất pháo hoa” tại Nhà máy Z121; “Dây chuyền sản xuất dây cáp điện” tại Nhà máy Z143; “Dây chuyền sản xuất sản phẩm cao su” tại Nhà máy Z175; “Dây chuyền sản xuất sản phẩm vải sợi” tại Nhà máy Z176; các sản phẩm đóng tàu kinh tế tại Z189 và nhiều dây chuyền sản xuất sản phẩm cơ khí, nhựa, hàng gia dụng của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều giải pháp huy động và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Về cơ bản, Tổng cục CNQP đã thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh tế, góp phần duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động; đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giai đoạn 2012-2021, doanh thu từ sản xuất kinh tế trong toàn Tổng cục CNQP ước đạt 102.000 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng doanh thu, bình quân gần 10.200 tỷ đồng/năm, tăng trưởng 6,7%/năm; lợi nhuận tăng 4,2%/năm; nộp ngân sách tăng 4,4%/năm; xuất khẩu tăng 6,7%/năm.

     (Nguồn: Bộ Tham mưu, Tổng cục CNQP)

  ĐÂU LÀ VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ?

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng tại hội nghị vừa qua, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế trong sản xuất kinh tế; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Điều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên 189 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z189): Hạn chế chung của các doanh nghiệp là công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành có lúc chưa kịp thời, quyết liệt, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội làm ăn; công tác giới thiệu năng lực, quảng bá sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu. Đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc về cơ chế đối với các đơn hàng xuất khẩu, tránh tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” làm ảnh hưởng tới việc ký kết hợp đồng sản xuất sản phẩm với đối tác.

Cũng liên quan đến thực trạng sản xuất kinh tế, Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 11 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z111), bày tỏ: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý trông chờ vào nguồn ngân sách quốc phòng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng khi tỷ trọng hàng quốc phòng giảm cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, các nhà máy quốc phòng cần nâng cao tính tự chủ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nhất là cần đánh giá đúng thực trạng, khả năng, tiềm lực để xây dựng chiến lược trong SXKD. Còn Đại tá Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z117, thì cho rằng: Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu luôn là “vấn đề nan giải” đối với các doanh nghiệp cơ khí. Để sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường trong nước và quốc tế, nhất thiết phải tính toán kỹ chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phải coi trọng công tác xây dựng thương hiệu. Thời gian qua, các nhà máy CNQP vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau; tỷ trọng sản phẩm kinh tế của một số doanh nghiệp còn thấp, hiệu quả SXKD chưa cao.


Sản phẩm nội địa hóa xe máy do Nhà máy Z117 sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Theo đánh giá của Bộ Tham mưu, trong những năm qua, sản xuất kinh tế của các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có; giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận chiếm tỷ trọng còn thấp. Một số đơn vị có tỷ trọng doanh thu kinh tế thấp, như: Nhà máy Z195 (chiếm 3,4%), Nhà máy Z129 (chiếm 3,8%), Nhà máy Z125 (chiếm 12%), Nhà máy Z111 (18,2%). Đến nay, sau nhiều năm hội nhập vào nền kinh tế đất nước và thế giới, ngoài đóng tàu xuất khẩu là sản phẩm nguyên chiếc (theo chuyển giao công nghệ và bản quyền của đối tác nước ngoài), còn lại là các sản phẩm gia công cơ khí, may mặc gắn với thiết kế, thương hiệu của đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng thấp, doanh thu và mức tăng trưởng không ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng việc đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm. Đối với thị trường trong nước, ngoài một số sản phẩm truyền thống như quạt điện, vật liệu nổ công nghiệp, xuồng cao tốc, tàu chở khách... thì các sản phẩm khác còn đơn lẻ, quy mô nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao, phải qua trung gian, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Hoạt động xúc tiến thương mại còn phân tán; năng lực dự báo, nghiên cứu thị trường, đánh giá tình hình và hoạch định chiến lược sản phẩm còn yếu...

Nguyên nhân là do lãnh đạo, chỉ huy một số doanh nghiệp chưa đề cao vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ sản xuất kinh tế; chưa năng động, sáng tạo; chậm đổi mới cơ cấu, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đặt hàng quốc phòng. Về nhân lực, do đặc thù của sản xuất quốc phòng, cán bộ chủ trì các doanh nghiệp đa số phát triển từ chuyên ngành kỹ thuật nên kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, nghiệp vụ thương mại, đấu thầu, trình độ ngoại ngữ... còn hạn chế.

MỤC TIÊU MỚI, GIẢI PHÁP THIẾT THỰC

“Đánh giá đúng tình hình, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, đề ra những mục tiêu, giải pháp sát đúng, phù hợp; trong đó cần phát huy tốt những lợi thế của doanh nghiệp quân đội, như: tính kỷ luật, tổ chức chặt chẽ, lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, truyền thống đơn vị… để phát triển sản xuất kinh tế”. Đó là chỉ đạo của Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục (nay là Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP) trong phần kết luận hội nghị.

Được biết, ngày 17/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030. Để quán triệt, triển khai có hiệu quả nghị quyết, Thủ trưởng Hồ Quang Tuấn yêu cầu, trong giai đoạn 2022-2030, các đơn vị trong Tổng cục CNQP phải không ngừng nâng cao nhận thức, xác định phát triển sản xuất kinh tế là nhiệm vụ khó khăn nhưng cần có quyết tâm lớn để thực hiện. Lãnh đạo, chỉ huy phải xác định được lợi thế của đơn vị mình, đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai sản xuất kinh tế hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển; quan tâm hơn nữa đến các yếu tố chất lượng, giá thành và tiến độ sản xuất sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất; không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công nhân viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Thời gian tới, Tổng cục sẽ giao chỉ tiêu cụ thể về sản xuất kinh tế cho các đơn vị, tạo sự nỗ lực, cố gắng trong phát triển sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của từng đơn vị, qua đó nâng cao vị thế của Tổng cục CNQP trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế…

Về những mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2022-2030, Tổng cục CNQP xác định: Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn, trở thành nhà cung cấp tin cậy trong các lĩnh vực: cơ khí, cơ khí chính xác; luyện kim; hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; xây dựng; điện, điện tử, viễn thông; công nghiệp phụ trợ... Xây dựng thương hiệu “Công nghiệp quốc phòng” và hồ sơ năng lực mạnh để tham gia vào các chương trình, dự án lớn của quốc gia; phát triển sản xuất, cung ứng các dịch vụ thuộc thế mạnh của CNQP. Phấn đấu doanh thu kinh tế tăng từ 7-8%, trong đó xuất khẩu tăng 7-8%, giá trị tăng thêm, nộp ngân sách trên 5%; bảo đảm tốt lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động. Mỗi đơn vị phấn đấu có từ 2-3 sản phẩm có thương hiệu mạnh, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, đơn hàng ổn định.

 

Từ nay đến năm 2030, phấn đấu doanh thu kinh tế tăng 7-8%, trong đó xuất khẩu tăng 7-8%, giá trị tăng thêm, nộp ngân sách tăng trên 5%; bảo đảm tốt lợi nhuận, thu nhập của người lao động. Mỗi đơn vị phấn đấu có từ 2-3 sản phẩm có thương hiệu mạnh.

     (Nguồn: Bộ Tham mưu, Tổng cục CNQP)

Phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Những thay đổi tích cực trong cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP. Biết biến những cơ hội, tiềm năng, thế mạnh thành kết quả cụ thể trong SXKD, hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong thời gian tới.

HÙNG ANH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: