Vũ khí mạng trong chiến tranh hiện đại25/02/2022 03:18:54 PMCNQP&KT - Ngày nay, không gian mạng trở thành môi trường thuận lợi để tương tác, thúc đẩy sự phát triển; đồng thời, cũng là nơi lý tưởng cho loại hình chiến tranh mới là “Chiến tranh mạng”. Đây là cuộc chiến diễn ra âm thầm nhưng cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, do sự phát triển mạnh mẽ của các loại vũ khí mạng. KHÁI NIỆM VÀ ỨNG DỤNG Hiện, chưa có định nghĩa chính thức về vũ khí mạng, mặc dù thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước, đặc biệt là trong giới quân sự. Tuy nhiên, qua một số sự kiện các nước bị tấn công trên không gian mạng, có thể hình dung phần nào về khái niệm và cách thức sử dụng loại vũ khí này. Tháng 8/2008, Quân đội Nga tấn công Gru-di-a để trả đũa việc Tbi-li-xi tấn công lực lượng ly khai tại Nam O-sét-ti-a. Trước khi mở cuộc tấn công quân sự, Nga đã thực hiện các cuộc tấn công vào không gian mạng, nhằm xóa dữ liệu các trang mạng của Chính phủ Gru-di-a và các công ty truyền thông, tài chính - ngân hàng. Bằng cách đó, Nga đã kiểm soát không gian thông tin, ngăn chặn việc lan truyền tin tức chống Nga, hỗ trợ tích cực cho chiến dịch quân sự. ![]() Vũ khí mạng có chi phí phát triển thấp, dễ sử dụng. Ảnh: Internet Năm 2009, cả thế giới chấn động bởi máy tính của nhiều cơ sở công nghiệp trên toàn cầu bị phá hoại bởi siêu virus máy tính Stuxnet. Cho đến nay, người tạo ra loại siêu virus này vẫn chưa bị phát hiện. Tuy nhiên, có cơ sở để khẳng định, nó được phát triển bởi một tổ chức tầm cỡ quốc gia, do quy mô tán phát và mức độ phá hoại rất nghiêm trọng. Stuxnet và biến thể của nó có thể giả mạo chứng nhận điện tử của các hãng điện tử uy tín, vượt qua hàng rào bảo vệ và lây nhiễm đến các máy tính trong hệ thống. Các chuyên gia tin học trên thế giới nghi ngờ Mỹ và I-xra-en đứng sau việc nghiên cứu, triển khai virus Stuxnet, bởi 60% số máy tính bị nhiễm virus này là của I-ran. Stuxnet đã chiếm quyền kiểm soát của khoảng gần 1.000 máy tính vận hành máy móc, thiết bị, bao gồm các máy móc trong trung tâm hạt nhân của I-ran, làm hỏng u-ra-ni đang được làm giàu và nhiều trang, thiết bị. Sau đó, các kỹ sư của nước này phải tháo rời và thay thế khoảng 1.000 máy ly tâm.
Một sự kiện nổi bật khác xảy ra vào đầu tháng 4/2015, khi Văn phòng quản lý nhân sự của Chính phủ Mỹ thông báo đã bị tin tặc tấn công. Theo đó, dữ liệu của khoảng 21,5 triệu nhân viên đã và đang làm việc cho Chính phủ Mỹ bị đánh cắp. Đến tháng 6/2015, Chính phủ Mỹ tiếp tục ghi nhận cuộc tấn công lớn thứ hai, tin tặc đã lấy cắp thông tin cá nhân của hàng triệu công dân Mỹ thuộc diện được bảo vệ an ninh. Đây được xem là một đòn đánh đau nhằm vào Chính phủ Mỹ, bởi theo giới phân tích, thông tin bị đánh cắp có thể được dùng để xác định danh tính các nhân viên tình báo của Mỹ. ![]() Vũ khí mạng đóng vai trò quan trọng trong những chiến dịch quân sự của các cường quốc. Ảnh: Internet Qua các sự việc nêu trên, có thể thấy, vũ khí mạng thực chất là các loại virus, phần mềm gián điệp được sử dụng để phá hoại, giành quyền kiểm soát, thu thập và đánh cắp thông tin, theo dõi các hệ thống máy tính. Căn cứ vào phạm vi tán phát và mức độ phá hoại, có thể chia vũ khí mạng thành 3 loại sau: Vũ khí mạng có phạm vi đe dọa thấp: Bao gồm các loại mã độc có khả năng tác động đến các hệ thống từ bên ngoài, nhưng không thể xâm nhập vào mục tiêu để gây hại trực tiếp. Các công cụ được sử dụng sẽ gây tắc nghẽn, quá tải cho hệ thống, từ đó gây hại tạm thời cho các dịch vụ của hệ thống này (ví dụ, các cuộc tấn công vào hệ thống từ chối dịch vụ). Vũ khí mạng có phạm vi đe dọa trung bình: Sự xâm nhập của các loại mã độc có khả năng tác động đến mục tiêu, gây thiệt hại về các nguyên tắc vật lý hoặc chức năng. Trong nhóm này bao gồm các loại mã độc có khả năng tán phát nhanh. Vũ khí mạng có phạm vi đe dọa cao: Loại này có khả năng xuyên thẳng đến mục tiêu, tránh được mọi biện pháp bảo vệ và gây nguy hại trực tiếp cho các mục tiêu. Tiêu biểu trong số này là Stuxnet. ƯU ĐIỂM VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN Từ khái niệm nêu trên, vũ khí mạng có một số ưu điểm, đó là: Chi phí đầu tư thấp: Cũng như các hệ thống vũ khí khác, vũ khí mạng cũng cần được đầu tư nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, áp dụng và bảo trì. Tuy nhiên, chi phí dành cho “sản xuất” vũ khí mạng lại thấp hơn rất nhiều so với các loại vũ khí khác. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2016, ngân sách để phát triển hệ thống máy bay không người lái lên tới 2,9 tỷ USD, thì phát triển các loại vũ khí tác chiến mạng tốn khoảng 500 triệu USD. Tính hiệu quả và chi phí đầu tư thấp đã làm cho vũ khí mạng trở nên rất hấp dẫn, không chỉ đối với các cường quốc quân sự mà còn cả với những nước nhỏ, vừa giúp giảm thiểu chi phí quân sự, vừa cạnh tranh với các nước lớn trong lĩnh vực này. Hơn nữa, đây còn là loại vũ khí lý tưởng trong một cuộc chiến không cân sức, khi một quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin càng hiện đại và tinh vi thì càng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công trên không gian mạng. ![]() Binh sĩ tác chiến trên không gian mạng. Ảnh: Internet Tính bí mật cao trong phát triển và sử dụng: Giai đoạn chuẩn bị “sản xuất”, vũ khí mạng được thực hiện trong vòng bí mật gần như tuyệt đối, bởi lẽ, không cần nhiều nhân lực như các loại vũ khí khác. Đối với lĩnh vực tình báo, việc khám phá ra các địa điểm nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí thông thường dễ dàng hơn nhiều so với phát hiện ra một cơ sở rất nhỏ phục vụ nghiên cứu phát triển vũ khí mạng. Bên cạnh đó, việc triển khai áp dụng vũ khí mạng không gây nhiều chú ý cho dư luận. Nguyên lý cơ bản của vũ khí mạng là khai thác những lỗ hổng an ninh trong các hệ thống máy tính để mang lại lợi thế cho người tấn công. Nhờ đó, kẻ tấn công có thể thực hiện một cuộc tấn công mạng trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Phạm vi tấn công, tán phát rộng và nhanh: Khả năng vận hành, lây nhiễm với tốc độ, tính linh hoạt cao của vũ khí mạng là ưu thế lớn mà không loại vũ khí nào có thể sánh bằng. Một máy tính trong hệ thống bị nhiễm sâu virus như kiểu Stuxnet có thể lan ra cả hệ thống. Bên cạnh đó, vũ khí mạng cũng có thể được sử dụng ở mọi cấp và nhiều loại hình tác chiến của quân đội, từ vũ khí thông thường đến vũ khí công nghệ cao. Vũ khí mạng cũng có khả năng được áp dụng ở mọi giai đoạn của cuộc chiến, thậm chí có thể áp dụng được ở cả mặt trận ngoại giao lẫn trên thực địa trong cùng một thời điểm. Vũ khí này còn có thể đảo ngược mã nguồn, khiến nó luôn thay đổi để tránh bị phát hiện, cách ly và phân tích. Lợi dụng được những kẽ hở pháp lý: Một trong những lý do quan trọng khiến vũ khí mạng thêm hiệu quả trong sử dụng là thiếu những cơ chế quản lý đối với các công cụ máy tính có thể được sử dụng như các loại vũ khí. Thực tế, hiện nay chưa có một bộ luật quốc tế nào quy định về chiến tranh mạng và việc sử dụng vũ khí mạng khiến cho việc quy kết trách nhiệm pháp lý cho các bên liên quan là rất khó khăn. Chính vì vậy, các nước có thể dễ dàng hơn khi quyết định một hoạt động tấn công trên mạng, mà không phải lo ngại nhiều về trách nhiệm phải chịu sau đó. Trong hơn một thập kỷ qua, cách thức tiếp cận các khái niệm về chiến tranh nói chung và chiến tranh mạng nói riêng đã có sự thay đổi. Không gian mạng được các cường quốc quân sự coi là không gian tác chiến thứ năm. Theo đó, nhiều nước đã và đang tập trung đầu tư phát triển năng lực tác chiến mạng, không chỉ chống lại đối phương mà còn để bảo vệ mình. Tuy nhiên, việc chiến tranh mạng sẽ thay thế các không gian tác chiến khác trong các cuộc chiến tranh quy mô nhà nước không phải dễ dàng. Bởi không phải tất cả các cuộc đụng độ quân sự trong tương lai đều kèm theo các cuộc tấn công mạng. Hầu hết các vụ tấn công mạng được ghi nhận diễn ra vào thời điểm các bên có căng thẳng về ngoại giao và được tiến hành bởi các nhân tố phi nhà nước hoặc núp dưới danh nghĩa nhà nước. Trong tương lai gần, vũ khí mạng vẫn chỉ được phát triển cho hoạt động tác chiến bí mật, mang tính quấy phá hơn là những vũ khí thực thụ để có thể thay đổi kết cục một cuộc chiến. Dẫu vậy, về mặt quân sự, có thể khẳng định, vũ khí mạng đã và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của các cường quốc. HẢI PHONG
|