Tạo đà bứt phá trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội17/02/2022 03:31:52 PMCNQP&KT - Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, toàn quân đã thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2021, cùng với cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế trong toàn quân. Theo đó, đã chỉ đạo thực hiện bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, chính sách liên quan đến sản xuất, xây dựng kinh tế, đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới; chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020 và ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng đến năm 2030. Trong đó, đã đánh giá kết quả 10 năm (2010-2020) thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế và đề ra chủ trương, giải pháp trong giai đoạn tới. Cục Kinh tế với chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị, các đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu KT-QP theo đúng mục tiêu của Chính phủ và Bộ Quốc phòng; đồng thời, tổng kết 10 năm (2010-2020) xây dựng khu KT-QP để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xây dựng và báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 về khu KT-QP và xây dựng Thông tư của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng và phát triển các khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng khu KT-QP. Cục Kinh tế đã tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt triển khai quy hoạch các khu KT-QP trên biển, đảo; tiếp tục thực hiện dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KT-QP đến năm 2030; tham gia đề xuất cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng các đề án về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Cục Kinh tế cũng tích cực tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội (DNQĐ); phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại DNQĐ giai đoạn 2021-2025 theo hướng rút gọn đầu mối, bố trí theo vùng, miền, phù hợp với chiến lược quốc phòng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ sắp xếp 84 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 20 công ty cổ phần, giảm các đầu mối cơ quan trung gian. Mặt khác, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước tại 19 công ty cổ phần; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát viên tại DNQĐ, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả. Thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, song các DNQĐ đã khắc phục khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế đất nước. Năm 2021, tổng doanh thu của các DNQĐ đạt 244.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 42.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chia sẻ vật chất và sức người đồng hành với địa phương nơi đóng quân trong phòng, chống dịch Covid-19. ![]() Bốc xếp hàng hóa tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: CTV Sau khi Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng tham gia vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội có hiệu lực, Cục Kinh tế đã tham mưu với Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 để thực hiện Nghị quyết; đồng thời, xây dựng, trình Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BQP ngày 7/6/2021 hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội và giải quyết các tồn đọng, vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, cổ phần hóa doanh nghiệp trong gần 20 năm qua; góp phần tiết kiệm nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; nâng cao đời sống bộ đội và đầu tư tăng cường năng lực quốc phòng. Ngoài ra, Cục Kinh tế còn thực hiện tốt công tác quản lý DNQĐ đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, qua đó nắm chắc và hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong hoạt động. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác kinh tế đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và những đóng góp của Quân đội trong tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Tổ chức triển khai hợp tác phát triển KT-XH với nước bạn Lào, Campuchia; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước ASEAN và các nước trên thế giới, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Năm 2022, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, toàn quân tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh theo Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 164/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng đến năm 2030. Hai là, triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng về tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Làm tốt công tác rà soát, hướng dẫn các đơn vị xử lý tồn đọng về đất đai; các dự án liên doanh, liên kết vào mục đích kinh tế theo quy định mới. Ba là, báo cáo Chính phủ điều chỉnh và đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNQĐ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị không còn hoặc ít nhiệm vụ quốc phòng, hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây mất uy tín Quân đội. Giải quyết kịp thời các bất cập về tài chính, đất đai, chính sách với người lao động để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa theo đúng chủ trương, quan điểm chỉ đạo của cấp trên. Bốn là, ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu KT-QP, đặc biệt là các khu KT-QP trên biển, đảo; các chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH miền núi, dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KT- QP. Triển khai hiệu quả các dự án hợp tác với nước bạn Lào, Campuchia để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Năm là, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và sắp xếp nhiệm vụ của ngành kinh tế; đảm bảo thực hiện tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, DNQĐ sản xuất, xây dựng kinh tế đảm bảo hiệu quả, đúng quy định trong tình hình mới. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong năm 2022, góp phần phát triển KT-XH đất nước và gia tăng nguồn lực của Quân đội, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; kết hợp chặt chẽ và phát huy tốt vai trò của các loại hình sản xuất chủ yếu trong Quân đội, đẩy mạnh quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; đổi mới tư duy, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong hoạt động nhằm tạo đà bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập tự chủ của các đơn vị, DNQĐ; tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, các đơn vị, DNQĐ cần nắm vững quan điểm, phương hướng, mục tiêu đã xác định, phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tạo đà bứt phá trong thực hiện nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển KT- XH đất nước trong tình hình mới. Thiếu tướng, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
|