Tin xúc tiến thương mại

CNQP&KT - Sau gần 1 năm, các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu thiết bị chữa cháy của Nhà máy Z113 được thành hình và thử nghiệm lần đầu thành công. Điều đó hứa hẹn trong tương lai không xa, thị trường sẽ có thêm những sản phẩm chữa cháy chất lượng cao của “tân binh Z113”…

QUẢ CẦU CHỮA CHÁY ABC Ф147-1,3KG

Từ ý tưởng, định hướng và sự chỉ đạo sâu sát của Thượng tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113, nhóm kỹ sư Phòng Kỹ thuật công nghệ Nhà máy đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu cấp Tổng cục, gồm: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo quả cầu chữa cháy ABC Ф147-1,3kg” và “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chữa cháy từ xa”. Đại tá Lê Minh Đức, Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy, cho biết: “Z113 lần đầu tham gia nghiên cứu các sản phẩm chữa cháy nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm. Nhưng anh em trong nhóm nghiên cứu đều vững tinh thần “thấy khó không lùi”, nhất là khi được đồng chí Giám đốc Nhà máy kịp thời gợi mở để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm”.

Tìm hiểu được biết, chỉ trong chưa đầy 1 năm, với nhiều bỡ ngỡ của lần đầu nhập cuộc, Nhà máy Z113 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP) đã thiết kế, chế tạo, xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ tài liệu kỹ thuật, quy trình công nghệ, hướng dẫn sử dụng và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho quả cầu chữa cháy có chỉ tiêu tương đương tiêu chuẩn của Thái Lan. Đặc biệt, Nhà máy đã xây dựng được dây chuyền công nghệ và tổ chức sản xuất 2.000 quả cầu chữa cháy loại 1,3kg, được Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng cục CNQP đánh giá đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn đã đăng ký. Cụ thể, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm đạt được là: đường kính:147 mm (±2); tiếng ồn khi kích hoạt: 80÷115dB; khu vực dập tắt hiệu quả: ≤3m3; thời gian kích hoạt: ≤10s; khối lượng quả cầu: 1.150g (±150); khả năng chịu nén: 150kg (±10); độ bền quả cầu khi rơi tự do ở độ cao 2m: không bị nứt, vỡ hoặc rò rỉ bột; hiệu ứng nổ: tấm kính không bị nứt, vỡ; khả năng dập tắt đám cháy: dập tắt hoàn toàn đám cháy theo loại A, B, E (A: đám cháy các chất rắn khi cháy thường tạo ra than hồng, B: đám cháy các chất lỏng và chất rắn hóa lỏng, E: đám cháy dầu và mỡ của động vật hay thực vật trong các thiết bị nấu nướng). Hiện nay, Nhà máy đang tiếp tục chế thử các mẫu 2kg, 4kg, 6kg… đồng thời, nghiên cứu chế tạo mẫu quả chủ động dập lửa (không cần tiếp xúc ngọn lửa) theo nguyên lý hẹn giờ. Dự kiến đến cuối tháng 4/2022, Z113 sẽ chế thử xong các quả cầu chữa cháy theo mẫu mới.

HỆ THỐNG CHỮA CHÁY TỪ XA

Theo thuyết minh đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chữa cháy từ xa của Nhà máy Z113, nguyên lý thiết kế sản phẩm là: Hệ thống phóng đạn phản lực chữa cháy khi hoạt động sẽ kích hoạt thuốc phóng tạo ra lực đẩy, đẩy đầu đạn mang chất cháy phóng vào vị trí đám cháy. Có 2 cơ chế nổ là chạm nổ và giữ chậm, sau khi nổ đầu đạn sẽ giải phóng chất chữa cháy để dập tắt đám cháy. Điều này cho phép hệ thống có khả năng chữa cháy từ xa, giữ khoảng cách đảm bảo an toàn với ngọn lửa. Đồng thời, động năng của đạn chữa cháy có thể phá vỡ các cửa kính, cửa sổ, từ đó có khả năng chữa cháy bên trong gian phòng cũng như tạo ra các lối tiếp cận để phục vụ nhiệm vụ trinh sát đám cháy khi cần thiết. Cùng với đó, camera được lắp đặt trên thiết bị có nhiệm vụ thu thập hình ảnh từ vụ cháy và đóng vai trò ống ngắm xác định vị trí phóng đạn chữa cháy. Đến nay, Nhà máy Z113 đã nghiên cứu và chế thử 3 sản phẩm, gồm:

Ống phóng chữa cháy cá nhân, với các thông số kỹ thuật chính: cỡ nòng ống phóng: 100mm; khối lượng: 10kg; lực giật: ≤10N; cỡ đạn: 100mm; khối lượng viên đạn: 4,8kg; khối lượng bột chữa cháy: 3kg; số đạn trong ống phóng: 1 viên; tầm bắn: 120m.

Phương tiện bay không người lái chữa cháy, với các thông số kỹ thuật chính: trần bay: 500m; tải trọng tối đa: 20kg; thời gian bay tối đa khi đủ tải: 15 phút; tích hợp hệ thống phóng đạn chữa cháy, camera quan sát; cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng; cỡ đạn: 100mm; khối lượng viên đạn: 4,5kg; số lượng đạn chữa cháy mang được: 2 viên: khối lượng bột chữa cháy: 3kg/viên đạn; tầm bắn tối đa (khi bắn trên giá): 120m; nguyên lý kích hoạt đầu đạn: chạm nổ và giữ chậm; diện tích chữa cháy: 9m2; loại đám cháy: A, B, E.


Phương tiện bay không người lái chữa cháy. Ảnh: NAM ANH

Dàn phóng chữa cháy, với các thông số kỹ thuật chính: cỡ nòng ống phóng: 100mm; số ống phóng: 20 ống; cỡ đạn; 100mm; khối lượng viên đạn: 4,8kg; khối lượng bột chữa cháy: 3kg/viên đạn; tầm bắn: 250m; nguyên lý kích hoạt đầu đạn: chạm nổ và giữ chậm; tích hợp cơ cấu điều khiển tầm, hướng; tích hợp cơ cấu ngắm bắn, cơ cấu điểm hỏa điện; chế độ bắn: phát một, liên thanh loạt ngắn, liên thanh loạt dài; tích hợp hệ thống lên xe; diện tích chữa cháy: 180m2; loại đám cháy: A, B, E.

TRIỂN VỌNG SẢN XUẤT

Cuối tháng 11/2021 vừa qua, Nhà máy Z113 đã tổ chức thử nghiệm các sản phẩm chữa cháy do đơn vị nghiên cứu, sản xuất, với sự tham gia của Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu); Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an); Tổng cục CNQP… Tại buổi thử nghiệm, Nhà máy Z113 đã tiến hành các nội dung: thử tính năng an toàn, khả năng chữa cháy chủ động, bị động của quả cầu chữa cháy; thử nghiệm súng vác vai chữa cháy, phương tiện bay không người lái chữa cháy và dàn phóng chữa cháy. Buổi thử nghiệm đã thành công tốt đẹp khi các thiết bị chữa cháy đều dập tắt hoàn toàn đám cháy theo cấp độ A, B, E.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho biết: “Với chức năng của cơ quan chuyên ngành phòng cháy chữa cháy, Cục đã có sự phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Z113 trong quá trình nghiên cứu sản phẩm, đảm bảo sát thực tiễn; đồng thời, hai bên cũng phối hợp để xây dựng các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của Nhà máy Z113 trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ để nghiên cứu, chế thử sản phẩm”. Đối với từng sản phẩm cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nhận định: Quả cầu chữa cháy có triển vọng gia nhập thị trường sớm nhất. Còn phương tiện bay không người lái chữa cháy đã chứng minh được tính cần thiết và sự phù hợp đối với việc chữa cháy nhà cao tầng. Nhà máy Z113 có thể nghiên cứu tăng thời gian bay và khả năng mang thêm được phao cứu nạn ở sông, hồ; camera cảm ứng nhiệt phát hiện người bị nạn trong đám cháy; lắp vòi chữa cháy, đèn, loa hướng dẫn thoát nạn… Hai thiết bị ống phóng và dàn phóng chữa cháy cần nghiên cứu xử lý tiếng ồn, độ ổn định trong bắn lô, loạt.

Chứng kiến buổi thử nghiệm, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), đánh giá cao tính chủ động của Nhà máy Z113 trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, có tính lưỡng dụng cao. Các sản phẩm này thiết thực phục vụ dân sinh, góp phần bảo đảm an toàn cháy nổ cho các đơn vị, địa phương, đặc biệt là các kho tàng chiến lược trên các vùng miền; có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại, tạo sự chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy và tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Đồng chí Phó Cục trưởng cũng định hướng Nhà máy Z113 nghiên cứu, phát triển thêm một số tính năng của sản phẩm, để có thể sử dụng được trong nhiều điều kiện khác nhau.

Đồng tình với các ý kiến đánh giá trên, Thiếu tướng Đào Xuân Nghiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, nhấn mạnh: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm lưỡng dụng phục vụ cả nhiệm vụ quốc phòng và đời sống dân sinh, luôn là mục tiêu, nhiệm vụ của Tổng cục CNQP nói chung và Nhà máy Z113 nói riêng. Lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục CNQP ghi nhận và đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của Nhà máy Z113 trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.

Chặng đường từ đề tài nghiên cứu đến triển vọng sản xuất loạt vẫn cần thêm nhiều bước hoàn chỉnh sản phẩm và tính pháp lý. Tuy vậy, với những nhận định, đánh giá của cơ quan chức năng, đặc biệt là từ kết quả thử nghiệm thành công, hy vọng rằng, sản phẩm chữa cháy do Nhà máy Z113 nghiên cứu, sản xuất sẽ sớm có mặt trên thị trường. 

Bài và ảnh: HÀ ANH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: