Nhạt nhòa thương hiệu!27/01/2022 09:16:01 AMCNQP&KT - Cho đến nay, không ít lãnh đạo doanh nghiệp quân đội còn thiếu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn “vắng bóng” trên bản đồ “thương hiệu Việt”. Giữa tháng 12/2021, Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, đã công bố bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, trong đó Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục giữ vị trí số 1 với định giá thương hiệu đạt hơn 6 tỷ USD. Bảng xếp hạng cũng cho thấy, giá trị thương hiệu của Viettel chiếm khoảng 33% tổng giá trị 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, gấp 2,2 lần thương hiệu đứng thứ 2. Trước đó, Viettel cũng đã lọt vào danh sách Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance xếp hạng và là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này. Như vậy, Viettel đã “vượt tầm” của một doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) để vươn lên trở thành doanh nghiệp hùng mạnh số 1 quốc gia. Cùng với Viettel, một số DNQĐ có “thương hiệu mạnh”, như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC); các tổng công ty xây dựng: Trường Sơn, Thành An, Lũng Lô… Có điều, những doanh nghiệp trên đều thuộc loại hình kinh tế quốc phòng, còn đối với loại hình doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (gồm các nhà máy Z, X) vẫn “vắng bóng” trên bản đồ “thương hiệu Việt”. Cho đến nay, không ít lãnh đạo DNQĐ, nhất là doanh nghiệp quốc phòng, còn thiếu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Có thể hiểu, thương hiệu là cảm nhận tổng thể về chất lượng, môi trường, uy tín và giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp; giúp tạo ra cảm xúc, sự liên tưởng trong mắt người tiêu dùng về doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Về mặt nhận diện, thương hiệu là một cái tên hoặc một dấu hiệu (logo, nhãn hiệu, slogan) để xác lập chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Xét theo các tiêu chí trên, ngoài các doanh nghiệp đóng tàu như Ba Son, Hồng Hà, Z189 và sản phẩm quạt điện mang thương hiệu “PEC - Điện cơ 91 - Bộ Quốc phòng” do Nhà máy Z199 sản xuất, thì hầu hết các doanh nghiệp quốc phòng chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm “ra tấm ra món”, thậm chí có phần nhạt nhòa trong mắt khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp còn đơn lẻ, quy mô nhỏ, giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp chưa tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn, mà phải thông qua trung gian, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, tiềm ẩn rủi ro về tài chính. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy một số doanh nghiệp còn chưa thực sự coi trọng nhiệm vụ sản xuất kinh tế; chưa năng động, sáng tạo trong tiếp cận thị trường; chậm đổi mới cơ cấu, kiện toàn tổ chức, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đơn hàng quốc phòng. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại rất phân tán; năng lực dự báo, nghiên cứu thị trường, đánh giá tình hình và hoạch định chiến lược sản phẩm còn yếu; thiếu chuyên nghiệp trong tuyên truyền, quảng bá về năng lực, sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Mới đây, vào ngày 17/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030. Theo đó, các doanh nghiệp phải chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao vị thế, hình ảnh của DNQĐ; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vẫn biết, từ định hướng, chủ trương đến kết quả thực hiện sẽ còn nhiều thách thức, trở ngại. Nhưng các doanh nghiệp quốc phòng cần có tư duy đột phá, nắm bắt cơ hội, thích ứng với nhu cầu của thị trường; khai thác tối đa lợi thế về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực công nghệ, nhân lực, tài chính và những chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với doanh nghiệp quốc phòng... sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Không những thế, phải đổi mới, đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh quảng bá sản phẩm trên báo chí, truyền thông, không gian mạng, thương mại điện tử... để từng bước tạo dựng và khẳng định thương hiệu doanh nghiệp. NHẤT NGÔN
|