Tin tổng hợp

CNQP&KT - Xem bắn pháo hoa thực sự là món ăn tinh thần, luôn được người dân chờ đón vào những dịp lễ lớn của đất nước và vào thời khắc giao thừa thiêng liêng. Do đó, để niềm vui của người dân thêm trọn vẹn, công tác bảo đảm an toàn trong bắn pháo hoa phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ Phòng Thiết bị kỹ thuật an toàn, Cục Quản lý Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP): Tại Khoản 4, Điều 21, Nghị định số 137/2020/NĐ - CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ có quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quốc phòng chuẩn bị nhân lực, thiết bị, kỹ thuật và tổ chức bắn pháo hoa nổ đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ và môi trường. Hiện nay, trong toàn quân có 63 đơn vị thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ bắn pháo hoa nổ phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, Tết. Trong đó, Nhà máy Z121 (tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21), thuộc Tổng cục CNQP, là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng pháo hoa nổ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là nơi có nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa nổ, đồng thời tham gia biên soạn tài liệu và tập huấn cho toàn quân về quy trình bắn pháo hoa nổ đảm bảo an toàn.

Để hiểu rõ hơn về quy trình này, phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Nhà máy Z121, được anh chia sẻ: Bắn pháo hoa nổ là công việc rất đặc thù, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và thực tế cũng đã xảy ra các sự cố mất an toàn, gây tổn thất cả người và phương tiện. Do đó, để hạn chế thấp nhất những vụ việc mất an toàn xảy ra khi bắn pháo hoa, các tổ chức được phép thực hiện công việc này cần tuân thủ đúng quy trình bắn pháo hoa nổ.


Xem bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa là món ăn tinh thần rất có ý nghĩa đối với người dân.     Ảnh: CTV

Cụ thể, pháo hoa nổ được chia làm hai loại, gồm: pháo hoa nổ tầm thấp (quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m) và pháo hoa nổ tầm cao (quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m). Các bước triển khai một chương trình bắn pháo hoa nổ đối với từng loại tầm thấp hoặc tầm cao cũng sẽ có một số khác biệt. Tuy nhiên, điểm chung trong đảm bảo an toàn khi bắn pháo hoa, các lực lượng cần tuân thủ những bước sau: Khảo sát địa điểm, phê duyệt mặt bằng bắn pháo hoa; lập kế hoạch, triển khai trận địa, sắp xếp các giàn pháo theo sơ đồ, cố định các giàn pháo. Việc đấu nối giữa các dàn phóng phải do nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo thực hiện theo đúng kịch bản của chương trình bắn pháo hoa. Trước khi bắn cần kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện rồi mới điểm hỏa. Sau khi bắn cần thực hiện kiểm tra, thu dọn vệ sinh, bảo quản thiết bị và xử lý pháo chưa nổ.

Nhà máy Z121 là nơi có nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm về triển khai thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa nổ cũng như tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho toàn quân về quy trình bắn pháo hoa nổ đảm bảo an toàn.

Trên thực tế, những sự cố xảy ra trong khi bắn pháo hoa là do khâu chuẩn bị địa điểm lắp đặt trận địa pháo hoa nổ chưa bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, địa điểm lắp đặt trận địa bắn pháo hoa phải đáp ứng các yêu cầu, như: có đủ không gian rộng, thoáng, không ảnh hưởng tới tầm bắn và quan sát của người xem; không lựa chọn địa điểm bắn pháo hoa trong khu vực có xưởng sản xuất hoặc kho chứa chất dễ cháy (xăng, dầu, gas, vật liệu nổ); mặt bằng lắp đặt trận địa phải bằng phẳng, cứng vững, đảm bảo khi giàn pháo hoa phát nổ không bị nghiêng đổ; khoảng cách an toàn từ người xem đến trận địa pháo hoa không nhỏ hơn 100m, trong trường hợp nhỏ hơn 100m phải có biện pháp che chắn cho người xem và các công trình cần bảo vệ.


Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Z121 thực hiện đấu nối các giàn pháo hoa. Ảnh: THÀNH LONG

Đối với công đoạn triển khai, sắp xếp các giàn pháo hoa phải thực hiện theo đúng kịch bản; bảo đảm khoảng cách giữa các hàng bằng hoặc lớn hơn 300mm, các cụm pháo từ 10-40m. Đồng thời, giàn pháo phải được đặt trên một mặt phẳng và được gia cố chắc chắn, cứng vững để khi bắn, nếu có xảy ra sự cố thì giàn pháo hoa không bị nghiêng, đổ.

Về kỹ thuật thao tác thả quả pháo vào trong ống phóng phải cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh làm rơi quả pháo hoa. Khi đấu nối quả pháo hoa vào thiết bị điểm hỏa, phải thực hiện đấu nối theo đúng kịch bản. Đó là: phải ngắt nguồn điện cấp vào trong thiết bị bắn pháo hoa; kiểm tra, rà soát lại đấu nối, tránh bỏ sót, dẫn đến quả pháo không nổ trên bầu trời. Khi đấu nối xong hạn chế tối đa việc đi lại trong khu vực lắp đặt giàn pháo.

Cùng với cung ứng pháo hoa nổ, Nhà máy Z121 còn sản xuất pháo hoa không nổ, như: cánh hoa xoay, ống phun nước bạc, cây hoa lửa, ống phun hoa lửa cầm tay, thác nước bạc… phục vụ các sự kiện dân sinh khai trương, sinh nhật, cưới, hỏi...

Vẫn theo Trung tá Nguyễn Trường Giang, trong triển khai trận địa bắn pháo hoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn nên công tác bảo vệ trận địa phải được thực hiện trước, trong và sau khi kết thúc chương trình bắn pháo hoa. Trong khâu chuẩn bị phải xây dựng phương án, bố trí các lực lượng bảo vệ an ninh, an toàn trận địa; bố trí xe cứu hỏa, các phương tiện chữa cháy, xe cứu thương ở vị trí gần trận địa pháo hoa, nhanh chóng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian bắn pháo hoa, cần chủ động quan sát, nếu có sự cố cháy nổ ảnh hưởng đến người xem hoặc công trình xung quanh thì triển khai ngay các biện pháp chữa cháy, cấp cứu. Sau khi cuộc bắn kết thúc 5 phút, người chỉ huy, chiến sĩ làm nhiệm vụ mới được vào trận địa kiểm tra, thu dọn. Nếu có giàn pháo, quả pháo chưa phát hỏa, khi kiểm tra không được ngó mặt vào ống phóng mà phải nhanh chóng cắt dây mồi ra khỏi hộp đấu nối và tiêu hủy theo hướng dẫn.

Hiện nay, quá trình bắn pháo hoa nổ, các nước, trong đó có Việt Nam đều phối hợp rất hài hòa giữa nhấn nút điểm hỏa với “mở nhạc nền”, tạo nên màn trình diễn của ánh sáng và âm thanh huyền diệu. Vì vậy, kỹ thuật bắn cũng phải có lập trình, cao trào hòa cùng nhạc điệu, đòi hỏi các lực lượng làm nhiệm vụ bắn pháo hoa càng phải nỗ lực học tập, huấn luyện, làm chủ kỹ thuật “pháo nổ hòa nhạc điệu”, đem lại những màn trình diễn mãn nhãn phục vụ nhân dân. Nhưng điều quan trọng nhất, mỗi màn bắn pháo hoa thành công không chỉ được đánh giá bởi sự rực rỡ, ấn tượng của sắc màu và âm thanh, mà trên hết là phải bảo đảm an toàn cho cả người bắn và người xem. Có như thế, niềm vui của người dân khi được ngắm nhìn những màn trình diễn pháo hoa độc đáo, lung linh trong những dịp lễ, tết, sự kiện trọng đại của đất nước mới thực sự hoàn hảo và trọn vẹn.

Bài và ảnh: LÂM MINH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: