Công tác bảo đảm kỹ thuật ở Vùng Cảnh sát biển 1: Yêu cầu quan trọng và cấp thiết13/01/2022 08:40:13 AMCNQP&KT - Vùng Cảnh sát biển 1 (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) được giao quản lý, khai thác, sử dụng nhiều loại tàu, xuồng, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Do đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật nhằm tăng tuổi thọ, duy trì tính năng, tác dụng của phương tiện, VKTBKT là yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Vùng Cảnh sát biển 1 quản lý vùng biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Quảng Trị. Do địa bàn hoạt động rộng, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp nên Vùng phải thường xuyên duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển được giao quản lý. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ, Vùng được trang bị nhiều tàu, xuồng, VKTBKT hiện đại, đa dạng về chủng loại. Các loại tàu do Vùng quản lý, sử dụng có những ưu thế khác nhau, trong đó gam tàu nhỏ thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm soát gần bờ; gam tàu lớn đáp ứng yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn xa bờ. Một số gam tàu có thể cơ động nhanh phục vụ các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, các phương tiện, VKTBKT của Vùng luôn phải duy trì cường độ hoạt động cao, chịu nhiều tác động khắc nghiệt của môi trường biển, một số xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu. Xác định công tác bảo đảm kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác này. Việc quán triệt thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (gọi tắt là Cuộc vận động 50) được Vùng xác định bằng hai khâu đột phá: Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT gắn với thực hiện Nghị quyết 382 và Cuộc vận động 50… Bên cạnh đó, Vùng thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhất là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật, để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng, cán bộ, chiến sĩ trong Vùng luôn phát huy tốt vai trò trong quản lý, khai thác, bảo quản tàu, xuồng, VKTBKT theo đúng quy định, đạt các yêu cầu về kỹ thuật trong hoạt động. Đặc biệt, công tác bảo đảm kỹ thuật càng được chú trọng đối với thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trong công tác đảm bảo kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Vùng coi trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật có trình độ chuyên môn vững; xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phù hợp với hoạt động thực tiễn của đơn vị; thực hiện các mặt công tác kỹ thuật gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu. Công tác sửa chữa tàu, xuồng, VKTBKT luôn được Vùng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả... Các quy định, quy trình, chế độ nền nếp trong quản lý, sửa chữa được thực hiện chặt chẽ từ khâu khảo sát, kiểm tra, giám sát đến nghiệm thu. Vì vậy, tàu, xuồng của Vùng luôn đạt và vượt hệ số kỹ thuật trên giao, với hàng nghìn hải lý hoạt động mỗi năm đảm bảo an toàn trong mọi hoàn cảnh; các loại VKTBKT duy trì tốt tính năng và hiệu quả hoạt động. Năm 2021, Vùng được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lựa chọn xây dựng mô hình điểm về “công tác kỹ thuật” để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn lực lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm kỹ thuật của Vùng vẫn còn một số bất cập, đó là: Các loại tàu, xuồng, VKTBKT do Vùng quản lý đa dạng, hiện đại, máy móc, trang bị được nhập ngoại nên nguồn vật tư thay thế khan hiếm, giá thành cao gây ảnh hưởng đến việc sửa chữa khi hỏng hóc. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Vùng không đồng đều, lực lượng trẻ còn ít kinh nghiệm; cơ sở hạ tầng chưa thật đồng bộ với sự phát triển của các loại phương tiện, VKTBKT mới. Từ thực trạng trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật của Vùng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng và ngành kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công tác kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị trong Vùng, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy các cấp, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác kỹ thuật. Rà soát, đánh giá, nắm chắc thực trạng phương tiện, VKTBKT hiện có để xây dựng kế hoạch sử dụng hàng năm sát với yêu cầu, nhiệm vụ và có phương án bảo đảm kỹ thuật sát, đúng. Thực hiện cơ chế quản lý theo phân cấp. Duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy kỹ thuật vững chắc, toàn diện và có chiều sâu; thực hiện tốt ngày kỹ thuật ở các tàu và đơn vị một cách chặt chẽ, hiệu quả. Nâng cao chất lượng bảo quản dự phòng và kiểm sửa định kỳ trước, trong và sau khi đi biển (duy trì chặt chẽ công tác bảo dưỡng, kiểm tra theo dõi hoạt động của phương tiện, VKTBKT trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển). Nghiên cứu, vận dụng các phương thức quản lý, bảo đảm kỹ thuật linh hoạt, khoa học, phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt việc phối kết hợp trong công tác kỹ thuật giữa ngành kỹ thuật Vùng với các đơn vị và tàu; giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn Vùng với cơ quan cấp trên. ![]() Tàu Cảnh sát biển đa năng DN 2000 số hiệu 8004 do Vùng Cảnh sát biển 1 quản lý, sử dụng. Ảnh: CTV Hai là, bảo đảm tốt các nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật của Vùng, nhất là nguồn nhân lực, kinh phí và đầu tư hạ tầng đồng bộ. Là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại nên nhu cầu về bảo đảm kỹ thuật tăng cả về số lượng, chất lượng. Do đó, Bộ Tư lệnh Vùng vừa phải làm tốt công tác tham mưu với cấp trên, vừa tích cực, chủ động chuẩn bị tốt các nguồn lực cho công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng huấn luyện, khai thác có hiệu quả gắn với tiết kiệm và bảo đảm an toàn các loại phương tiện, VKTBKT. Động viên, khích lệ, xây dựng phong trào tự học, nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ; khả năng tự bảo đảm để có thể xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, nhất là các tình huống trên biển. Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ trên tàu khai thác và làm chủ được VKTBKT, nhất là VKTBKT mới, hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm kỹ thuật. Đầu tư trang - thiết bị cho trạm sửa chữa và chủ động tạo nguồn vật tư nhằm nâng cao năng lực tự bảo dưỡng, sửa chữa. Ba là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp trên liên quan, nhất là Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong bảo đảm kỹ thuật. Vùng cần phát huy mọi nguồn lực, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội để bảo đảm tốt công tác kỹ thuật của đơn vị. Từ đó, tổ chức tốt việc khai thác, tạo nguồn vật tư, trang bị đúng, đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại, đáp ứng nhu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng để nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật của Vùng.
Bốn là, tiếp tục tham mưu với cấp trên trong phối hợp với các cơ sở khoa học trong và ngoài Quân đội về nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp VKTBKT trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vừa là lực lượng chấp pháp nhưng cũng là lực lượng kỹ thuật nên công tác nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp VKTBKT là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, ngành kỹ thuật Vùng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp và đồng bộ các trang - thiết bị trên tàu theo hướng tích hợp khoa học - công nghệ hiện đại, tự động hóa nhằm nâng cao tính năng kỹ thuật, giảm biên chế, tiết kiệm lao động. Nghiên cứu biên soạn tài liệu kỹ thuật chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho nhu cầu học tập và bảo đảm kỹ thuật của đơn vị. Chú trọng nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong bảo đảm công tác kỹ thuật cho hoạt động tàu thuyền trên biển. Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc về nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua quản lý, khai thác, sử dụng VKTBKT, nhất là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; gắn với phong trào “Ngày Kỹ thuật thanh niên tự quản” ở cấp tàu, hải đội. Hằng năm, duy trì có nền nếp “Hội thi tàu tốt”, “Hội thao huấn luyện tàu” cấp Vùng và tham gia cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật nói chung và hoạt động tàu thuyền nói riêng. Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, năng động, sáng tạo trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác, sử dụng VKTBKT. Phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1 luôn nêu cao tinh thần “Chủ động - sáng tạo - tự lực - tự cường”, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh toàn diện, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Đại tá HOÀNG VĂN PHAI Phó Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
|