Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tăng cường xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh05/01/2022 09:54:23 AMCNQP&KT - Trong những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới. Công đoàn Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) có hàng chục nghìn đoàn viên đang sinh hoạt tại 53 công đoàn cơ sở. Đoàn viên công đoàn luôn là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên mọi lĩnh vực công tác: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham mưu, quản lý, hoạt động chuyên môn và trực tiếp sản xuất. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp đã tuyên truyền, vận động, tập hợp 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người lao động vào tổ chức công đoàn. Nhận thức rõ công đoàn cơ sở là nền tảng và thành tố của tổ chức công đoàn, thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tập hợp được đoàn viên, người lao động tự nguyện tham gia hoạt động của tổ chức công đoàn; làm cho đoàn viên, người lao động thêm tin yêu, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị và tổ chức công đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 752/CT-CT ngày 31/7/2006 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về việc “tăng cường xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội và phát triển Công nghiệp quốc phòng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Chỉ thị 752), Cục Chính trị Tổng cục CNQP đã tham mưu giúp Thường vụ Đảng ủy Tổng cục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, giám đốc doanh nghiệp, chỉ huy đơn vị và công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị trực thuộc quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện chặt chẽ những chủ trương, biện pháp, nội dung, tiêu chí xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh gắn với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 6a/NQ-TLĐ ngày 6/1/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”, tổ chức công đoàn trong Tổng cục CNQP đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp và nguyện vọng của đoàn viên. 100% ban chấp hành công đoàn cơ sở có quy chế hoạt động, chương trình công tác hằng năm; thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình đoàn viên, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp triển khai thực hiện các mặt công tác công đoàn đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Để xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP còn làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ công đoàn từ phong trào công nhân và hoạt động thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp để gửi đi đào tạo, bồi dưỡng cơ bản tại các trường trong và ngoài Quân đội. Cán bộ công đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm, là hạt nhân nòng cốt trong tổ chức hoạt động công đoàn ở cơ sở; nhiều đồng chí qua hoạt động thực tiễn đã trưởng thành, được bổ nhiệm chức vụ chủ trì cơ quan, đơn vị. ![]() Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z131 giúp nhau nâng cao trình độ tay nghề trong sản xuất quốc phòng. Ảnh: CTV Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng công đoàn cơ sở; vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, triển khai tới tổ công đoàn, công đoàn bộ phận và đoàn viên. Vận động đoàn viên, người lao động tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và điều kiện sinh hoạt, công tác. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua, tiêu biểu như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “5 nhất, 3 không”; “An toàn lao động, an toàn giao thông, không vi phạm kỷ luật”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; “Đoàn kết thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh”; cụ thể hóa các phong trào thi đua bằng triển khai thực hiện các mô hình “Mỗi công đoàn cơ sở có từ 1-2 công trình sản phẩm, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”...
Trong tổ chức phong trào thi đua, tổ chức công đoàn đã chú trọng làm tốt công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đơn vị. Từ năm 2006 đến nay, có 543 cán bộ, đoàn viên được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”; 120 đồng chí được tặng Bằng “Lao động sáng tạo”; có 215 đề tài, 34.250 sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả là cán bộ, đoàn viên công đoàn, với giá trị làm lợi trên 383 tỷ đồng (trong đó có 5 đề tài, sáng kiến đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), 1 sản phẩm được bình chọn sản phẩm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”...); có 5 doanh nghiệp (Nhà máy Z121, Z131, Z176, Z189, Z183) được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng thưởng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Có thể nói, các phong trào thi đua ngày càng phát huy hiệu quả, không ngừng lan tỏa sâu rộng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và Tổng cục, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tổ chức công đoàn cũng thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Hằng năm, công đoàn cơ sở đã phối hợp với chỉ huy đơn vị, giám đốc doanh nghiệp xây dựng quy chế phối hợp hoạt động; tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện quy chế đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc... Thông qua đó đã phát huy vai trò dân chủ trực tiếp; tiếp thu, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, phát triển bền vững trong các doanh nghiệp, đơn vị. Các công đoàn cơ sở trong Tổng cục CNQP còn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên được thực hiện hiệu quả, như: Chương trình “Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”, hỗ trợ vay vốn giúp đoàn viên phát triển kinh tế gia đình... Từ năm 2006 đến nay, tổ chức công đoàn các cấp trong Tổng cục đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 79 nhà “Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội” giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1.000 lượt cán bộ, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cán bộ, đoàn viên, người lao động nhân dịp lễ, tết, Tháng Công nhân và thăm hỏi đột xuất đoàn viên, người lao động gặp rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày... với tổng số tiền hơn 80,5 tỷ đồng. Các chế độ, chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và giúp đoàn viên, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, đơn vị. Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z113 thi đua lao động sản xuất. Ảnh: HÀ ANH Có thể khẳng định, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 752, công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP có sự phát triển vững mạnh, hoạt động nền nếp, đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực. Đạt được kết quả đó là do Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP, cấp ủy, chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi; đội ngũ cán bộ công đoàn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện; đoàn viên, người lao động có sự phát triển toàn diện cả số lượng và chất lượng, lập trường tư tưởng chính trị kiên định, vững vàng, nhận thức, trách nhiệm cao, đoàn kết, gắn bó xây dựng đơn vị.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích, kết quả tích cực nêu trên, nhưng công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trong Tổng cục CNQP vẫn còn một số hạn chế, như: Tổ chức công đoàn một số tổng công ty, công ty chưa phù hợp, còn chồng chéo, chưa phát huy được dân chủ cơ sở. Chậm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn; trình độ, năng lực chuyên môn, tay nghề, kỷ luật lao động, tác phong làm việc của một bộ phận đoàn viên công đoàn còn hạn chế... Nhằm phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, cấp ủy, bí thư cấp ủy (chủ tịch công ty), người chỉ huy, cơ quan chính trị và tổ chức công đoàn các đơn vị trong Tổng cục CNQP cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và gắn trách nhiệm của cấp ủy, bí thư cấp ủy (chủ tịch công ty), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đối với công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Thường xuyên nắm chắc chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tốt vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn. Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp thực sự vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện. Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị; nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động gắn với phong trào thi đua Quyết thắng, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “5 nhất, 3 không”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... Tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với công đoàn cơ sở và cán bộ, đoàn viên công đoàn trong Quân đội. Bốn là, thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, chú trọng công tác tham gia quản lý, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của công đoàn; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh có tính quyết định trong việc xây dựng hệ thống tổ chức công đoàn; giúp cho đoàn viên, người lao động có cái nhìn đầy đủ, gắn bó với tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng đơn vị, doanh nghiệp phát triển. Với tinh thần chỉ đạo tập trung và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng, công đoàn cơ sở các đơn vị trong Tổng cục CNQP sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành CNQP Việt Nam trong thời kỳ mới. Đại tá, ThS. LÊ NGỌC THÂN Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
|