Hoàn thiện cơ chế, chính sách hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng05/01/2022 09:53:46 AMCNQP&KT - Dự án Quân đội tham gia xây dựng khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2000, sau 20 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, cần TIẾP TỤC có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn KT-QP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau 20 năm thực hiện, đến nay, toàn quân đã triển khai xây dựng được 30 khu KT-QP. Các khu KT-QP đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, cơ bản đạt được mục tiêu về ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược, khu vực biên giới; góp phần tạo nên thế và lực mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở các vùng đất biên cương của Tổ quốc. Tại các khu KT-QP đã xây dựng được trên 1.300 điểm dân cư tập trung; đỡ đầu, ổn định tại chỗ cho trên 68.000 hộ dân; đón nhận và sắp xếp trên 31.500 hộ dân. Các đoàn KT-QP đã xây dựng trên 400 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài gần 1.500 km; xây mới 89 cầu, 130 công trình điện với 14.636 km đường dây, 166 công trình thủy lợi với chiều dài 1.482 km, 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ trên 20.200 hộ dân; xây mới 58 trạm xá quân y và 33 bệnh xá quân dân y, 390 phòng học với tổng diện tích 43.786m2... Đặc biệt, các đoàn KT-QP đã tổ chức tốt mô hình sản xuất và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế. Tại các khu KT-QP trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 hộ gia đình đồng bào sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên. Đối với các khu KT-QP không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, các đoàn KT-QP đã giúp dân hiệu quả thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tổ chức dịch vụ 2 đầu (thu mua, chế biến nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật...). Bên cạnh đó, các đoàn KT-QP còn tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân trong các khu KT-QP; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân bảo đảm an ninh trật tự xã hội, củng cố thế trận quốc phòng... ![]() Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Quân khu 5) hướng dẫn đồng bào dân tộc xã Ia Rvê, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) kỹ thuật chăm sóc canh tác cây ăn quả. Ảnh: CTV Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng các khu KT-QP cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Một trong các nguyên nhân là do cơ chế, chính sách hoạt động của đoàn KT-QP còn chưa được hoàn thiện. Do vậy, cần phải tiếp tục có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn KT-QP trong tình hình mới, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau: Một là, cụ thể hóa chính sách đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đoàn KT-QP. Trước hết, cần nghiên cứu bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn, bổ nhiệm, điều động cán bộ, sĩ quan công tác ở các đoàn KT-QP. Bảo đảm cân đối giữa sĩ quan chỉ huy - tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; giữa sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Thực tế cho thấy, nếu đội ngũ cán bộ chuyên môn không đồng đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, nhất thiết không điều động, bố trí, bổ sung vào các đoàn KT-QP những cán bộ đã “miễn nhiệm”, “chuẩn bị giải quyết chính sách”, cán bộ vi phạm kỷ luật, phẩm chất chính trị kém… Đồng thời, tạo điều kiện cho các đoàn KT-QP tự tổ chức đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên trên lĩnh vực mà đơn vị có nhu cầu.
Hai là, thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đoàn KT-QP. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần tính tới đặc điểm và tính chất phức tạp, khó khăn của nhiệm vụ mà đoàn KT-QP thực hiện. Do đó, cần xây dựng chế độ, chính sách đặc thù riêng cho các đoàn KT-QP, bảo đảm trách nhiệm và quyền lợi, để có thể vừa thu hút, vừa động viên tinh thần của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; khuyến khích họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống chế độ, chính sách này sẽ hết hiệu lực thi hành khi đoàn KT-QP hoàn thành dự án. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hợp lý hệ thống chức danh của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đoàn KT-QP làm cơ sở cho việc quy định trần quân hàm; bảo đảm có sự ưu tiên nhất định, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ và điều kiện công tác. Bộ Quốc phòng cần xác định cấp tương đương của các đơn vị trong đoàn KT-QP một cách hợp lý, ban hành quy định phù hợp, trả lương bằng ngân sách quốc phòng linh hoạt và bằng kết quả sản xuất - kinh doanh theo hướng có lợi nhất cho cán bộ, nhân viên. Ngoài tiền lương, các lực lượng tham gia vùng dự án cần được hưởng các khoản phụ cấp một cách thỏa đáng hơn như phụ cấp vùng khó khăn, phụ cấp ưu đãi (thu hút), phụ cấp đi cơ sở… trong suốt thời gian thực hiện dự án. Các loại phụ cấp và mức hưởng, ít nhất cũng phải ngang bằng với bộ đội biên phòng ở các đồn, trạm biên giới, biển đảo. Đối với chế độ tiền ăn và công tác phí, cũng cần được quan tâm đúng mức. Có chế độ, chính sách phù hợp hơn để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên đoàn KT-QP chuyển gia đình tới định cư lâu dài. Với ưu thế về nhận thức, trình độ văn hóa, nếp nghĩ, cách làm, các gia đình quân nhân sẽ là những điểm sáng, tấm gương để đồng bào các dân tộc noi theo trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Sau một thời gian công tác ở vùng dự án (công nhân viên khoảng 5 năm, quân nhân chuyên nghiệp và sĩ quan khoảng 10 năm), nếu có nguyện vọng, cần được xét cho thuyên chuyển công tác hoặc hợp lý hóa gia đình. ![]() Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) hướng dẫn người dân chăn nuôi đàn bò. Ảnh: CTV Ba là, quan tâm tới chính sách thi đua, khen thưởng đối với các đoàn KT-QP. Để làm tốt công tác này, về tổ chức, có thể phân các đoàn KT-QP theo cụm thi đua: cụm từ Quân khu IV trở ra (gồm các đoàn KT-QP không có pháp nhân kinh tế, không tổ chức sản xuất tập trung) và cụm từ Quân khu IV trở vào (gồm các đoàn KT-QP có pháp nhân kinh tế, tổ chức sản xuất tập trung); hoặc phân theo cấp quản lý: khối trực thuộc Bộ Quốc phòng và khối trực thuộc Quân khu. Như thế, việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng sẽ đạt hiệu quả, công bằng và chính xác hơn.
Bốn là, xây dựng cơ chế khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đối với vốn ngân sách Nhà nước cấp, cần xây dựng cơ chế cấp phát, quản lý vốn phù hợp, sao cho đồng vốn đến dự án nhanh nhất, nhiều nhất. Công tác cấp phát, phân phối vốn cần được vận dụng cấp trực tiếp đến đoàn KT-QP; bảo đảm kiểm soát được cả trước, trong và sau đầu tư. Kết hợp vốn dự án khu KT-QP với nguồn vốn của các chương trình, mục tiêu quốc gia đang triển khai trong khu KT-QP để tăng hiệu quả đầu tư. Đối với vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, ngân hàng địa phương cần linh hoạt trong hình thức cho vay, mức vay, đối tượng, thời gian, lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho nhân dân trong khu KT-QP có vốn đầu tư sản xuất. Đoàn KT-QP phối hợp với địa phương hướng dẫn cho hộ nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả. Đối với vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, cần ưu tiên cho các dự án phát triển trang trại nông lâm nghiệp, dự án xây dựng cơ sở chế biến hàng nông lâm sản, kinh doanh dịch vụ thương mại, công nghiệp nhỏ. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa sản xuất - kinh doanh với bảo đảm quốc phòng - an ninh cho nhà đầu tư. Lựa chọn hình thức đầu tư thích hợp với điều kiện nông thôn miền núi. Đối với vốn trong dân (biểu hiện dưới các dạng: sức lao động, tài sản, của cải, tiền nhàn rỗi…), cần có cơ chế xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm đóng góp của nhân dân trong khu KT-QP; được phân biệt theo mục tiêu và đối tượng đầu tư của từng dự án. Việc huy động vốn trong dân phải thực hiện đúng pháp luật, có tổ chức. Quản lý, chi tiêu nguồn vốn huy động từ trong dân phải hợp lý, đúng đối tượng. Năm là, hoàn thiện thủ tục pháp lý về giao đất, xây dựng chính sách thuế và thương mại phù hợp. Thực tế khi triển khai xây dựng các khu KT-QP phần lớn đất đai có thể canh tác được đều đã có chủ. Do đó, các đoàn KT-QP phải phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và các ban, ngành, địa phương có liên quan để giải quyết thấu tình, đạt lý vấn đề đất đai. Lấy Luật Đất đai làm cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án trong khu KT-QP đúng tiến độ và chất lượng. Nhà nước cần miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các hộ gia đình trong khu KT-QP; miễn thuế kinh doanh lâm sản và hàng hóa phục vụ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn; miễn thuế cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong vùng dự án. Sáu là, quan tâm hơn tới chính sách đối với người lao động, trí thức trẻ tình nguyện ở đoàn KT-QP. Đối với người lao động cần triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, đời sống văn hóa tinh thần. Ưu tiên về giáo dục, đào tạo đối với con em các gia đình định cư ở các khu KT-QP; cử tuyển con em người lao động đi đào tạo ở các trường trong và ngoài Quân đội về những lĩnh vực, ngành nghề phục vụ cho nhiệm vụ phát triển sản xuất tại địa bàn; hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các đơn vị thực hiện tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ nhằm nâng cao dân trí và đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Đối với đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện cần có chính sách hợp lý để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Quốc phòng cần xem xét lại quy định tuyển dụng hiện hành để tạo điều kiện tối đa cho trí thức trẻ tình nguyện được công tác lâu dài tại các đoàn KT-QP khi có nguyện vọng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hoạt động của các đoàn KT-QP là vấn đề rất cần thiết; góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả xây dựng và hoạt động của các khu KT-QP, thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới. Đại tá, ThS. NGUYỄN XUÂN NGHĨA Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
|