Tin tổng hợp

CNQP&KT - Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, được thể hiện rõ trong Chiến lược biển Việt Nam, nhằm bảo đảm cho nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đồng thời, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Vùng biển, đảo nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng cả về địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế trong khu vực và trên thế giới; là một bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh (QP-AN) chính là bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Những năm qua, việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường QP-AN trên biển, đảo đã đạt được một số kết quả quan trọng: “Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện”1. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với QP-AN được chú trọng, như: Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản, Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam... Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, gồm: (1) Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); (2) Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận); (3) Vùng biển và ven biển Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh); (4) Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Kiên Giang), 19 khu kinh tế ven biển; gần 330 khu công nghiệp, khu chế xuất; gần 100 cảng biển với tổng năng lực hàng hóa thông quan hàng trăm triệu tấn/năm. Một số địa phương đã hình thành các trung tâm đô thị và kinh tế có khả năng làm “bàn đạp” tiến ra biển, như: Vân Đồn - Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Ranh (Khánh Hòa), Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc - Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau. Đây là sự phát triển tổng hợp các ngành nghề biển, như: dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển, vận tải biển, du lịch biển, đo đạc bản đồ và nghiên cứu biển; đồng thời cũng là những cơ sở hậu cần, kỹ thuật quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ QP-AN khi có tình huống xảy ra.

Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

(Nguồn: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII)

Tuy nhiên, việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường QP-AN trên biển, đảo cũng còn một số mặt hạn chế, đó là: “Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập”2. Nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành và nhân dân ven biển, đảo có lúc chưa đầy đủ; còn biểu hiện nặng lợi ích kinh tế, chưa gắn phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Quy mô phát triển kinh tế biển, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, chưa vươn ra vùng biển xa, kết hợp với khẳng định chủ quyền biển, đảo. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu, chưa đồng bộ; nguồn lực (con người, tài chính và khoa học - công nghệ) để hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá nêu trong Chiến lược biển còn hạn chế. Hợp tác quốc tế về biển còn nhiều hạn chế; tình trạng vi phạm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển đang gia tăng và diễn biến phức tạp.


Nguồn lợi từ biển góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Ảnh: CTV

Từ thực trạng trên cho thấy, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển hướng tới “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh”3 theo đúng quan điểm mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng cường QP-AN. “Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65 - 70% GDP cả nước”4. Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, như: hàng hải; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; năng lượng tái tạo; thông tin và công nghệ số; sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm… Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và trên thế giới.

Ba là, huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng cường sức mạnh QP-AN. Đổi mới phương thức đầu tư theo hướng tập trung cho những ngành kinh tế mũi nhọn, công trình trọng điểm trên biển, đảo và vùng biển trọng yếu về kinh tế và QP-AN. “Xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”5. Trước mắt, cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, du lịch biển, dịch vụ mũi nhọn. “Phát triển nuôi trồng thủy sản cả trên biển và mặt nước nội địa theo hướng công nghiệp, quảng canh cải tiến, sinh thái; nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, phát triển đánh bắt đại dương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”6. Tạo điều kiện cần thiết về bảo đảm an ninh cho người dân hoạt động trên biển, sinh sống trên các đảo và ở những vùng thường bị thiên tai; đồng thời, xây dựng cơ sở bảo vệ môi trường biển. Về lâu dài, cần bố trí lại dân cư, phân bổ lại lực lượng sản xuất trên địa bàn các tỉnh, huyện ven biển và trên các đảo; có chính sách để thu hút và khuyến khích nhân dân ra định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tăng cường đầu tư mua sắm trang - thiết bị hiện đại cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (cả về tổ chức, lực lượng, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nghiên cứu khoa học…) tương xứng với tầm quan trọng của biển.

Bốn là, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường QP, AN. “Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”7. Tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (cả về tổ chức, lực lượng, kinh tế, QP-AN, đối ngoại và nghiên cứu khoa học…) tương xứng với tầm quan trọng của biển. Tích cực “xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển”8,  vừa tham gia lao động sản xuất trên biển, vừa tích cực trong cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và các hoạt động khác.

Năm là, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển nhằm “phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm QP-AN và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo”9. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và góp phần thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tăng cường lộ trình đàm phán với các nước liên quan để phân định vùng biển chồng lấn, tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài để ngăn chặn nguy cơ xung đột. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, như: chống cướp biển, buôn lậu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, diễn tập trên biển... Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương; thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia. Duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác, sử dụng biển an toàn, hiệu quả, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế biển và tăng cường sức mạnh QP-AN trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá, TS. TRỊNH VĂN NAM

Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng

_____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2018, trang 77-78, 78, 81.

4, 5, 6, 7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, trang 259,158-159, 242, 258, 158, 257-258.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: