Tin tổng hợp

CNQP&KT - Sau một năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, mỗi cá nhân hay tập thể đều mong muốn được biểu dương, khen thưởng. Bởi thành tích đạt được cũng chính là động lực để họ tiếp tục phấn đấu trong những năm tiếp theo. Vì lẽ đó, việc chấm điểm, bình xét danh hiệu thi đua cần có tiêu chí rõ ràng, đảm bảo tính khách quan, công bằng và thực chất.

TỪ BAN HÀNH QUY CHẾ MỚI…

Ngày 5/10/2021, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã ký Quyết định số 8088/QĐ-CNQP ban hành Quy chế chấm điểm, bình xét danh hiệu thi đua hằng năm của Tổng cục CNQP. Quyết định này thay thế Quyết định trước đây của Tổng cục cũng về nội dung này. Có thể nói, việc ban hành Quy chế mới là cần thiết, bởi sau 9 năm thực hiện chấm điểm, bình xét thi đua theo Quy chế được ban hành từ năm 2012, đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chẳng hạn, Quy chế cũ không cập nhật được những điểm mới trong Thông tư 151 của Bộ Quốc phòng ban hành năm 2018 hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng; mặt khác, về cơ cấu tổ chức của Tổng cục CNQP hiện nay cũng có sự thay đổi so với năm 2012. Dẫu việc ban hành Quy chế mới là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng Cục Chính trị, cơ quan tham mưu giúp việc cho Hội đồng thi đua khen thưởng Tổng cục, rất trăn trở từ khâu khởi thảo cho đến khi Quy chế có hiệu lực. Đại tá Lê Ngọc Thân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục CNQP, thẳng thắn bày tỏ: “Mặt tích cực của thi đua sẽ tạo ra động lực nhưng nếu đánh giá sai sẽ làm cho ý chí thi đua bị mai một và khiến công tác thi đua trở nên hình thức. Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của Tổng cục CNQP đã được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực. Song, trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy còn chưa toàn diện, sâu sắc, thậm chí còn có biểu hiện “bệnh thành tích”. Nhất là khi việc chấm điểm, bình xét thi đua theo tiêu chí chung chung, không có sự khác biệt giữa các loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan quản lý không có căn cứ để chấm đúng, tính đủ, từ đó tạo động lực thi đua tốt. Còn đơn vị cơ sở cũng khó xác định mục tiêu phấn đấu. Sự ra đời của Quy chế chấm điểm, bình xét thi đua mới đã cơ bản tháo gỡ được “vướng mắc” này”.

Cần khẳng định, trong nhiều năm qua, việc tổ chức phong trào thi đua Quyết thắng và công tác thi đua khen thưởng của Tổng cục CNQP đã thành nền nếp. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP luôn chủ động, sáng tạo trong thực hiện với nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Cũng từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Nhưng khi việc chấm điểm thi đua thiên về định tính hơn định lượng, thì không phải lúc nào việc bình xét cũng bảo đảm khách quan, công bằng. Vì lẽ đó, có lúc, có nơi mục tiêu thi đua bị “lạc hướng” khi điểm cộng được ưu ái dành cho đơn vị... chẵn năm, tròn năm kỷ niệm truyền thống! Với Quy chế mới, tiêu chí chấm điểm thi đua do từng cơ quan chức năng xây dựng, bám sát vào mục tiêu thi đua chung, cụ thể hóa thành những chỉ tiêu có tính định lượng cao, trong đó những chỉ tiêu quan trọng được nhân hệ số 2 để có thể đánh giá sát thực tình hình, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Nguyên tắc chấm điểm, bình xét thi đua cũng được xác định rõ, đó là phải đảm bảo toàn diện, chính xác, công bằng, dân chủ và công khai.


Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP cùng các đại biểu chứng kiến trao cờ đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua đóng tàu năm 2022.    Ảnh: MINH ANH

… ĐẾN CHẤM ĐÚNG, TÍNH ĐỦ

Theo Quy chế mới, việc theo dõi, đánh giá, chấm điểm bình xét danh hiệu thi đua hằng năm do Thủ trưởng Tổng cục và cáccơ quan trực thuộc Tổng cục CNQP thực hiện. Quy chế cũng nêu rõ, việc theo dõi, đánh giá thi đua phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; bảo đảm đánh giá, nhận xét chính xác những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phải sâu sát, nắm chắc và có cơ sở thực tiễn, chỉ rõ được tập thể, cá nhân, việc làm điển hình, tiêu biểu, cụ thể; có so sánh sự tiến bộ của năm sau với năm trước. Chỉ xem xét khen thưởng các danh hiệu thi đua khi cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn, được công nhận danh hiệu Đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực tiêu biểu" và danh hiệu Đơn vị văn hóa. Các cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan sẽ bị tính điểm liệt và không được xem xét khen thưởng. Nội dung chấm điểm thi đua được thực hiện trên tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tập trung vào 5 mục tiêu chính: Mục tiêu 1: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Mục tiêu 2: Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Mục tiêu 3: Thi đua thực hiện tốt công tác khoa học, kỹ thuật và Cuộc vận động 50. Mục tiêu 4: Thi đua thực hiện tốt công tác hậu cần, tài chính. Mục tiêu 5: Thi đua thực hiện biểu tổ chức biên chế đúng quy định, duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng nền nếp chính quy và quản lý kỷ luật, chấp hành pháp luật Nhà nước; xây dựng cơ quan, đơn vị mẫu mực, tiêu biểu. Theo Quy chế, việc chấm điểm được quy định đối với từng loại hình đơn vị, cụ thể là: các đơn vị hạch toán, thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh; các đơn vị nghiên cứu khoa học; các đơn vị kho, trường; các cơ quan Tổng cục. Đại tá Phạm Văn Riệp, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z175, khẳng định: “Với những quy định và tiêu chí chấm điểm rõ ràng, mang tính định lượng cao, sẽ có tác động tích cực đối với cả cơ quan quản lý và đơn vị cơ sở. Về phía cơ quan quản lý phải thường xuyên sâu sát, bám nắm cơ sở; còn đơn vị thì thấy rõ đâu là trọng tâm thi đua và mục tiêu phấn đấu”. Đại tá Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z117, thì cho rằng: “Ở góc độ doanh nghiệp, việc quy định điểm thưởng và điểm phạt theo chỉ tiêu doanh thu sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, chính điểm phạt doanh nghiệp khi dự kiến số liệu doanh thu sai số, sẽ thể hiện giá trị thực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.


Giờ vào ca của công nhân Nhà máy Z143. Ảnh: TUẤN MINH

... VÀ THI ĐUA TỐT

Đến thời điểm cuối tháng 11/2021, công tác thi đua năm 2021 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP đã “cán đích”, với thứ hạng cao nhất thuộc về Bộ Tham mưu (được đề nghị tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ); 9 đầu mối được đề nghị tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng (gồm các nhà máy: Z115, Z117, Z129, Z175, Z176, Z183, Z189, Cục Chính trị, Viện Thuốc phóng Thuốc nổ). Có thể nói, phía sau “ánh hào quang” là cả hành trình nỗ lực vượt khó của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đúng như quán triệt của Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Tổng cục CNQP: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành toàn diện các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Điển hình là các nhà máy đã bám sát kế hoạch, tổ chức sản xuất, sửa chữa hàng trăm chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn; tổ chức đóng mới, sửa chữa hàng chục tàu quân sự và bảo đảm kỹ thuật tàu, xuồng cho các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt, trong bối cảnh bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực đẩy mạnh công tác thị trường phát triển các mặt hàng kinh tế và xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Năm 2021, ghi nhận sự bứt phá tăng trưởng sản xuất kinh tế của nhiều doanh nghiệp, như: Z117, Z143, Z183…

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan Tổng cục, khi vừa hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao vừa sâu sát, bám nắm cơ sở, kịp thời định hướng chỉ đạo và đồng hành cùng đơn vị trong những "khâu căng, việc khó" và các nhiệm vụ trọng điểm. Do vậy, việc theo dõi, đánh giá thi đua của các cơ quan Tổng cục đối với từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cũng đảm bảo tính khách quan, công bằng, sát thực tế. Đối với Cụm thi đua khối cơ quan Tổng cục, việc đánh giá, chấm điểm thi đua do Thủ trưởng Tổng cục thực hiện, đảm bảo tính sát thực, khách quan, có tác dụng cổ vũ, khích lệ thi đua tốt hơn trong những năm tới.

Khép lại một năm ghi nhận nhiều đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng của Tổng cục CNQP. Nhưng đúng như đánh giá và cũng là yêu cầu của Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Tổng cục, thì: “Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục triển khai các biện pháp sáng tạo và bổ sung, hoàn thiện biểu chấm điểm mới với các tiêu chí cụ thể, sát đúng nhằm hướng thi đua vào thực chất, lấy hiệu quả làm thước đo phong trào”. Với định hướng chỉ đạo của đồng chí Chính ủy Tổng cục và từ thực tiễn triển khai, tin tưởng rằng, phong trào thi đua Quyết thắng sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục CNQP trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

HÀ ANH

Thượng tá Hà Thành Trung, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z115:

Ghi nhận thành tích, khen thưởng kịp thời

Trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng và công tác khen thưởng, Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy Z115 luôn nhất quán quan điểm “ghi nhận thành tích, khen thưởng kịp thời” nhằm tạo động lực thúc đẩy mọi tập thể, cá nhân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Quá trình thực hiện, Nhà máy Z115 luôn bám sát chủ đề thi đua năm 2021 của Tổng cục CNQP, đó là “Đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”. Ngay từ đầu năm, Nhà máy đã tổ chức phát động thi đua, với 100% đơn vị đăng ký phấn đấu danh hiệu thi đua cùng nội dung, mục tiêu thi đua cụ thể, sát thực tế, hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, khắc phục các khâu yếu, mặt yếu. Nổi bật là trong năm 2021, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế, Z115 đã có nhiều giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; nghiên cứu chế thử sản phẩm mới. Nhà máy đã thực hiện 11 đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giá trị làm lợi trên 2,7 tỷ đồng. Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy đã biểu dương, khen thưởng 113 lượt tập thể và 612 lượt cá nhân, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.          

 

Thượng tá Lê Văn Minh, Giám đốc Nhà máy Z143:

Thi đua tạo động lực mạnh mẽ

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng do tổ chức tốt phong trào thi đua Quyết thắng, Nhà máy Z143 vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Là đơn vị có tỷ trọng hàng quốc phòng thấp, trong khi sản xuất kinh tế luôn chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và vòng đời sản phẩm không dài, Nhà máy Z143 luôn nỗ lực vượt khó, xác định quyết tâm bước đi vững chắc bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế. Nhà máy đã chủ động thương thảo và ký kết hợp đồng sản xuất các sản phẩm quốc phòng nhóm 2, như: dây và cáp thông tin kim loại, dây tổ hợp, dây níu và phụ kiện anten... Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kinh tế, trong đó tập trung vào dây và cáp điện các loại. Đồng thời, duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống, như: dây thuê bao quang, cáp đồng trục, dây và cáp thông tin, dây kíp nổ... Nhà máy cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, thương mại; hoàn thiện công tác quản lý, quản trị sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, dự kiến doanh thu từ sản xuất kinh tế năm 2021 của Nhà máy vượt hơn 16% kế hoạch năm; sản xuất quốc phòng đạt 100% kế hoạch năm.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: