Vũ khí "tinh khôn" từ Cách mạng 4.009/12/2021 08:36:17 AMCNQP&KT - Hiện nay, các nước lớn trên thế giới đã ứng dụng những thành tựu quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) để phát triển vũ khí "tinh khôn", chính xác; tạo nên bước chuyển mới, có thể làm thay đổi hình thái và phương thức tác chiến trong tương lai. VŨ KHÍ THÔNG MINH - XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA CÁCH MẠNG 4.0 Cách mạng 4.0 đã và đang tạo ra bước đột phá trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực quân sự, Cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật, kéo theo sự thay đổi về tổ chức lực lượng và phương thức tác chiến; với các lĩnh vực đột phá gồm “thông minh hóa” các loại vũ khí, trang bị, phát triển thiết bị không người lái, rô-bốt quân sự, hiện đại hóa hệ thống chỉ huy tác chiến tự động... Thông minh hóa vũ khí, trang bị: Trong Cách mạng 4.0, vũ khí được phát triển lên một tầm cao mới, với độ tinh khôn và chính xác cao hơn rất nhiều so với trước đây. Các thành tựu trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng để phát triển các loại vũ khí biết “suy nghĩ”. Trong các chiến dịch quân sự những năm gần đây, Mỹ và Nga đều sử dụng vũ khí thông minh để thực hiện các đòn tấn công chính xác tầm xa. Tên lửa Tomahawk của Mỹ phiên bản thứ tư (Block IV) sử dụng phương pháp điều khiển thông minh tích hợp hệ dẫn đường vệ tinh và quán tính với hệ dẫn đường quang điện tử, chụp ảnh, tính toán mục tiêu, kết nối đường truyền về sở chỉ huy và nhận lệnh cho phép thay đổi mục tiêu tấn công. Trong khi đó, Nga cũng đã “thông minh hóa” kho vũ khí, trang bị thông thường. Tên lửa hành trình thông minh Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu hộ vệ tên lửa trong chiến dịch tại Syria, có độ chính xác rất cao khi tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 1.400km. Đối với Trung Quốc, các thông tin về vũ khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn thuộc loại cơ mật, nhưng theo một số nguồn tin, những vũ khí thông minh mà nước này hướng tới bao gồm các loại xe tăng và xe cơ giới, tàu ngầm, tàu mặt nước và các loại máy bay ném bom, chiến đấu cơ. ![]() Tên lửa hành trình Tomahawk Block IV của Mỹ. Ảnh: Internet Đột phá trong phát triển các phương tiện không người lái: Những năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến sự phát triển của các phương tiện không người lái, có thể được điều khiển từ xa, tự bay theo chương trình đã được lập trình hoặc theo sự điều khiển của các hệ thống máy tính phức tạp, như: máy bay không người lái (UAV), máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), tàu nổi, tàu ngầm không người lái, thiết bị tự hành dưới nước… Các UAV hiện đại được trang bị vũ khí điều khiển chính xác, trở thành phương tiện trinh sát, tấn công rất hiệu quả. Ngoài ra, xu hướng sử dụng UAV tác chiến kiểu “bầy đàn” cũng trở thành bước tiến mới trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa quá trình chỉ huy và điều khiển tác chiến. Nhiều nước đang nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới sử dụng công nghệ tàng hình, trí tuệ nhân tạo, khả năng cơ động cao, có thể đột phá hầu hết các hệ thống phòng không của đối phương. Chẳng hạn, Nga đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 với sự hợp tác của Mikoyan và Sukhoi. Mỹ đã giới thiệu về một bản thiết kế ý tưởng của máy bay thuộc Chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD). Pháp và Đức dự kiến từ nay đến năm 2025, chi ngân sách khoảng 4 tỷ Euro để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tăng cường sử dụng rô-bốt quân sự (UGV): Theo các nhà phân tích, rô-bốt hóa là hướng phát triển lý tưởng, không chỉ cho phép bảo toàn sinh mạng người lính, mà còn tạo ra một loạt ưu thế trước đối phương, hình thành loại hình chiến tranh rô-bốt hóa, sử dụng rô-bốt thay thế người lính trên chiến trường. Theo thống kê, hiện nay, quân đội của hơn 60 quốc gia đã được trang bị rô-bốt quân sự với hàng trăm chủng loại. Dự báo đến năm 2025, tỷ trọng rô-bốt trong cơ cấu trang bị của Quân đội Nga sẽ đạt 30%; năm 2040, trong biên chế Quân đội Mỹ sẽ có tới hơn 50% quân số là rô-bốt.
Hiện đại hóa hệ thống chỉ huy tác chiến tự động (C4ISR): Hiện nay, hệ thống này đã có bước phát triển nhảy vọt nhờ khả năng xử lý thông tin và kết nối. Trong đó, mạng máy tính đóng vai trò quan trọng, giúp người chỉ huy có nhiều thông tin cùng lúc để phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định kịp thời. Quân đội Mỹ hiện đang xây dựng hệ thống mạng chỉ huy, điều hành tác chiến sử dụng công nghệ internet vạn vật, bao gồm hàng triệu cảm biến các loại. Hệ thống Chỉ huy chiến thuật thống nhất (ESU TZ) của Nga cho phép trao đổi dữ liệu theo thời gian thực giữa các lực lượng chiến đấu khác nhau và tạo ra một mạng lưới thông tin thống nhất. Xây dựng căn cứ quân sự thông minh: Nhờ công nghệ 4.0, các căn cứ quân sự sẽ được xây dựng với hệ thống máy móc tự động phân tích dữ liệu, giúp tăng tốc và nâng cao chất lượng của các nhiệm vụ thực thi. Chẳng hạn, thiết bị cảm biến có khả năng phân biệt nhân viên quân sự, hỗ trợ điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, các phương tiện không người lái vận chuyển thương binh... Ngoài ra, công nghệ xây dựng và quy hoạch đô thị tiên tiến có thể giúp các căn cứ quân sự được xây dựng ở những khu vực phù hợp.
MỘT SỐ VŨ KHÍ, TRANG BỊ TIÊU BIỂU Máy bay không người lái và chiến đấu cơ thế hệ 6 UAV Orion do Nga thiết kế để trinh sát trên không, xác định mục tiêu, thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom. Hệ thống quang điện tử trên Orion phát hiện và theo dõi mục tiêu ở chế độ tự động và điều chỉnh đường bay của tên lửa dẫn đường. Trên Orion có máy ảnh nhiệt và máy ảnh truyền hình, máy đo khoảng cách laser, máy chỉ định mục tiêu, video kỹ thuật số; có thể hoạt động hiệu quả trên chiến trường ngay cả trong điều kiện bị nhiễu sóng vô tuyến dày đặc do hệ thống tác chiến điện tử của đối phương gây ra. Một loại UAV đánh chặn khác là Wolf-18 phiên bản mới, có thể dễ dàng hoạt động theo hiệu lệnh từ hệ thống điều khiển hoặc ở chế độ tự động, cho phép quan sát, xác định mục tiêu và đánh chặn chúng. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 MiG-41 đang được Nga phát triển, với tính năng đặc trưng là thực hiện nhiệm vụ chiến đấu không cần sự can thiệp của con người. MiG-41 được sử dụng để ném bom, đánh chặn tên lửa và các mục tiêu trong không gian vũ trụ, tiêu diệt các vệ tinh của đối phương ở quỹ đạo thấp. Các UCAV của Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo, trí tuệ “bầy đàn” (swarm intelligence), kết nối với nhau và có thể thay đổi cấu hình để hoàn thành nhiệm vụ thay cho các UCAV bị tổn thất. Một trong số đó là X-47B, tự động điều khiển bay, lập bản đồ mặt đất, chuyển tiếp chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực. Dòng UAV XQ-58A Valkyrie sử dụng công nghệ tàng hình, hoạt động trong đội hình hỗn hợp với F-35 Lightning, có thể làm lá chắn cho máy bay chiến đấu kiểm soát khả năng tác chiến đồng đội trên không. Hiện tại, Mỹ đang nghiên cứu, phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 theo Chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD). NGAD có tính năng đặc biệt, sử dụng phi công lái phụ là rô-bốt trí tuệ nhân tạo, theo công nghệ ARTUμ (hệ thống trí tuệ nhân tạo được xây dựng theo thuật toán). ![]() Hắc Kiếm - Máy bay không người lái tàng hình của Trung Quốc. Ảnh: Internet Trung Quốc cũng gây ấn tượng mạnh về tương lai phát triển UAV, khi ra mắt hàng chục chiếc UAV theo đội hình đa dạng do mạng máy tính kiến tạo và điều khiển để săn tìm và tiêu diệt mục tiêu. Trung Quốc cũng công khai UAV tàng hình Sharp Sword (Hắc Kiếm), sử dụng động cơ tuabin phản lực WS-13, có 2 khoang chứa bom bên trong với khả năng mang 2.000kg. Israel đã phát triển loại UAV trinh sát chiến thuật, có khả năng bay thời gian dài, tầm xa, độ cao lớn là Heron MK II. UAV này được trang bị ra-đa khẩu độ tổng hợp SAR tầm xa, cảm biến quang điện tử, cảm biến tình báo điện tử và tín hiệu thông minh; có thể đạt độ cao đến 10,7km, tốc độ tối đa khoảng 259km/h, bay 45 giờ liên tục; tự động bay đến khu vực nhiệm vụ, hạ cánh và cất cánh từ sân bay không có trạm mặt đất. Australia cũng vừa thử nghiệm thành công máy bay phản lực không người lái đầu tiên Loyal Wingman sử dụng hệ thống ATS; được trang bị vũ khí dẫn đường, cảm biến giám sát, có khả năng trực tiếp giao tranh với đối phương, tiến hành tác chiến điện tử. Còn Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển UCAV theo 3 giai đoạn: tạo ra máy bay điều khiển từ xa; kết hợp các hoạt động trong đó một máy bay có người lái điều khiển nhiều máy bay không người lái và thiết lập các phi đội hoàn toàn tự động. Các thiết bị trinh sát Nga đã cho ra đời nhiều thiết bị trinh sát, như: Sphera, Scorpion, Streles... Sphera có khả năng thu nhận hình ảnh và âm thanh từ các khu vực xa xôi và nguy hiểm, truyền dữ liệu qua tần số radio đến màn hình của bảng điều khiển từ xa. Scorpion có thể hoạt động ở những nơi khó tiếp cận, phát hiện bom, mìn và phá hủy chúng. Streles là một máy tính di động riêng lẻ, có thể kết nối với nhiều thiết bị, tạo ra một mạng lưới duy nhất; giúp người chỉ huy theo dõi hoạt động của cấp dưới theo thời gian thực và kịp thời nhận thông tin về kẻ địch qua các kênh liên lạc kín. Mỹ đã sử dụng thành công trí tuệ nhân tạo để điều khiển hệ thống cảm biến và định vị trinh sát cơ U-2 Dragon Lady. Thuật toán ARTUμ được phát triển giúp huấn luyện rô-bốt trí tuệ nhân tạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt trong chuyến bay, giảm tải cho phi công và tăng khả năng nhận thức tình huống trong chiến đấu. ARTUµ được sử dụng để “điều khiển cảm biến và điều hướng chiến thuật”. Vai trò chính của hệ thống là xác định bệ phóng của đối phương. Sau khi cất cánh, điều khiển cảm biến được xử lý bởi ARTUµ sẽ tìm kiếm bệ phóng tên lửa đối phương, trong khi phi công thật có nhiệm vụ theo dõi các tiêm kích có thể đe dọa chiếc U-2. Rô-bốt chiến trường (UGV) Rô-bốt Marker của Nga có thể tự hoàn thành hàng loạt nhiệm vụ, biết cách sử dụng vũ khí hạng nhẹ, tiêu diệt được các mục tiêu mặt đất và trên không. Một loại rô-bốt khác của Nga là Uran-9, được chế tạo để chi viện hỏa lực cho bộ binh, thực hiện các chiến dịch đặc biệt và tiến hành trinh sát. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này sẽ thành lập đơn vị rô-bốt chiến đấu đầu tiên, bao gồm 5 tổ hợp rô-bốt Uran-9, mỗi tổ hợp là 4 cỗ máy chiến đấu. ![]() Rô-bốt chiến đấu tự động Marker của Nga. Ảnh: Internet Mỹ cũng nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công các rô-bốt chiến trường, như: Bear, BigDog, Talon, MAARS. Rô-bốt Bear được lắp các camera và sensor, các chi nhấc được các vật nặng, có thể bật dậy nếu bị đổ ngã; cải thiện các khả năng qua từng biến thể mới. Rô-bốt Talon được trang bị một khẩu súng phóng lựu 40mm 6 nòng; thêm tùy chọn súng máy; có thể tham gia các hoạt động khác như dò bom, mìn hoặc xử lý các loại thiết bị nổ khác. Rô-bốt chiến đấu Sharp Claw I của Trung Quốc được nâng cấp một số tính năng, có thể hoạt động tự chủ. Phiên bản Sharp Claw II được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến trường, tuần tra, tấn công và vận chuyển trong môi trường nguy hiểm. Một loại UGV khác là Mule-200 - xe bánh xích đa năng cỡ trung bình có thể đi kèm các đơn vị bộ binh, được sử dụng để vận chuyển đạn dược và tiếp liệu. Mule-200 được trang bị vũ khí để hỗ trợ hỏa lực ở cự ly gần và bánh xích giúp nó di chuyển trên nhiều địa hình, tốc độ tối đa 50km/h, tầm hoạt động khoảng 50km. Bom, đạn thông minh thế hệ mới Bom KAB thế hệ mới của Nga có khả năng hiệu chỉnh đường lượn theo quỹ đạo tấn công, cho phép máy bay không cần xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của đối phương. KAB-500S là phiên bản hiện đại nhất, với hệ thống vệ tinh dẫn đường chính xác và sức nổ mạnh, tiêu diệt được mục tiêu tại các tọa độ định trước. Dự kiến, Không quân Nga sẽ được trang bị bom chùm PBK-500U, có thể tiêu diệt hạ tầng và xe bọc thép của đối phương vào năm 2022. Tổ hợp bom lượn thông minh GBB-53/B StormBreaker của Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động phát hiện và phá hủy mục tiêu. StormBreaker có thể vận hành trong điều kiện tầm nhìn thấp, thời tiết xấu, sương mù hay vào ban đêm. StormBreaker có thể tìm kiếm mục tiêu 3 chế độ (tri-mode seeker) bằng cách sử dụng ra-đa hồng ngoại và sóng milimet hình ảnh; triển khai dẫn đường bán la-de hoặc GPS bán chủ động để đánh trúng mục tiêu. Đạn thông minh MAM-T được Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế để “tìm và diệt” các mục tiêu mặt đất như sinh lực địch, hệ thống phòng không. MAM-T có tầm tấn công khoảng 30km khi được phóng đi từ UAV và lên đến 60km với các mẫu máy bay tấn công hạng nhẹ. MAM-T là “thành viên mới” của dòng đạn thông minh MAM được công ty này phát triển cho các dòng UAV tấn công nội địa. Ngoài MAM-T, Thổ Nhĩ Kỳ còn có các mẫu đạn thông minh MAM-C và MAM-L. Ngoài ra, các cường quốc cũng đang đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí không gian mạng. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chỉ là một phần của tham vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ quốc phòng. Đại tá NGUYỄN NHÂM Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài)
|