Tin tổng hợp

CNQP&KT - Nghiên cứu, chế tạo được các loại vũ khí mới, trong đó có vũ khí công nghệ cao, là định hướng chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong “Gặp gỡ - Đối thoại” số Đặc biệt 2021, Thiếu tướng, PGS, TS. Đoàn Hùng Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vũ khí công nghệ cao trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ của CNQP Việt Nam trong thời gian tới.

VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ CAO VÀ CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ CAO

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin phép đồng chí được vào thẳng nội dung chủ đề. Trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường đề cập tới vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh, vũ khí tinh khôn. Vậy cần phải hiểu như thế nào cho đúng về nội hàm của loại vũ khí này?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Vâng! Tôi xin nói khái lược thế này, có rất nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước liên quan tới việc xác định thế nào là vũ khí công nghệ cao. Nhưng tựu trung lại: vũ khí công nghệ cao là vũ khí được nghiên cứu thiết kế, chế tạo dựa trên các thành tựu mới nhất về khoa học - công nghệ, có sự đột phá nhảy vọt về tính năng kỹ, chiến thuật và chất lượng. Thực tế, các phạm trù “công nghệ cao” và “hiện đại” luôn có tính tương đối về mặt thời gian. Do vậy, vũ khí công nghệ cao ở một giai đoạn nhất định có thể trở thành “công nghệ thấp” ở các giai đoạn tiếp theo. Cũng từ đặc tính đó nên việc chuẩn bị đối phó thắng lợi với loại hình chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao là một trong những thách thức mới đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng về mặt tư duy chiến lược, cũng phải luôn nhớ rằng, trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược trước kia, chúng ta đều đã phải đương đầu với đối phương có ưu thế vượt trội về vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã sử dụng rất nhiều vũ khí tối tân, đạt trình độ cao nhất về khoa học kỹ thuật quân sự của thế giới ở thời kỳ đó, như: hàng rào điện tử Mắcnamara, máy bay trinh sát không người lái, máy bay ném bom B52, F111… và các hệ thống nhiễu chống lại ra-đa và tên lửa, các loại bom dẫn đường thông minh... Chính vì vậy, khi đề cập đến vũ khí công nghệ cao gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, điều quan trọng trước hết là phải có nhận thức đúng, khách quan, toàn diện, không tuyệt đối hóa nhưng cũng không thể coi thường, chủ quan.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Vậy xu hướng nổi bật trên thế giới về vũ khí công nghệ cao trong thế kỷ XXI là gì?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Qua nghiên cứu tư liệu nước ngoài và trực tiếp tham dự nhiều triển lãm vũ khí quốc tế, tôi cho rằng, vũ khí công nghệ cao luôn được các cường quốc ưu tiên đầu tư phát triển và không ngừng “thông minh hóa”, tăng uy lực, tăng tầm bắn, độ chính xác, khả năng chống đánh chặn… Động lực của quá trình “thông minh hóa” vũ khí đã, đang và sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi 2 cuộc cách mạng: Cách mạng khoa học kỹ thuật - công nghệ quân sự và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia nước ngoài, có 5 lĩnh vực trọng yếu mà các cường quốc hàng đầu thế giới đang tập trung cạnh tranh để giành ưu thế dẫn đầu về vũ khí công nghệ cao gồm: tác chiến trên nền tảng công nghệ số (Cyber Defense), vũ khí điện từ (Electromagnetic Superiority), vũ khí dưới nước (Underwarter Warfare), vũ khí siêu vượt âm (Hypersonic Stand-off of Weapons), mạng thông tin cao tốc thế hệ mới (Next Generation of Fast Network).

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Từ khái niệm vũ khí công nghệ cao tới phạm trù chiến tranh công nghệ cao, hẳn còn nhiều điều cần luận giải, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Tất nhiên rồi! Khi nói về vũ khí công nghệ cao thì không thể không đề cập tới việc sử dụng chúng trong chiến tranh như thế nào. Mặc dù, vũ khí công nghệ cao có tính tương đối xét từ góc nhìn của từng thời đại, nhưng giới nghiên cứu phương Tây thường coi cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (do Mỹ và phương Tây tiến hành chống lại I-rắc) là cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên trên thế giới. Trong cuộc chiến này, Mỹ và các nước đồng minh đã thử nghiệm không chỉ vũ khí mới mà cả học thuyết quân sự mới; triển khai các phương thức mới để tập hợp lực lượng, ý tưởng mới về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; thực hiện tác chiến liên hợp với vũ khí công nghệ cao để không thể phân biệt giữa tiền tuyến với hậu phương, trên bộ, trên không, trên biển, không gian mạng, không gian điều khiển; tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian; hiệp đồng tác chiến trên nền tảng kỹ thuật số; tấn công hỏa lực cùng với tác chiến điện tử làm “mềm chiến trường” và làm “mù, điếc” các mục tiêu của đối phương….

Có thể nói, chiến tranh công nghệ cao không chỉ giới hạn trong đối kháng quân sự mà còn được kết hợp với các đòn tiến công “phi vũ trang” về chính trị, tâm lý, truyền thông, ngoại giao… Thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, hẳn nhà báo cũng đã thấy rõ điều đó.


Bộ đội tên lửa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.      Ảnh: CTV

CHUẨN BỊ TỪ SỚM, TỪ XA ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; đồng thời cũng xác định rõ CNQP Việt Nam phải “nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao”. Vậy, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột những năm gần đây trên thế giới, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời gian tới?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Cần khẳng định rằng, việc đối phó với vũ khí công nghệ cao là vấn đề vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp bách mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhưng điều chắc chắn là, để đối phó thắng lợi với chiến tranh công nghệ cao, nhất định phải tiếp tục kiên định các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Phải kế thừa và phát huy sáng tạo kinh nghiệm giữ nước của cha ông ta, tiếp tục phát triển học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng và phát triển tiềm lực CNQP và khả năng làm chủ vũ khí, trạng bị hiện đại, kể cả vũ khí công nghệ cao…

“Tôi xin nhấn mạnh rằng, làm vũ khí luôn phải xuất phát từ chân lý về vai trò quyết định, không thể thay thế được của yếu tố con người”.

(Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh)

Về vấn đề “bài học kinh nghiệm”, tôi nghĩ rằng, vũ khí công nghệ cao và chiến tranh công nghệ cao đặt ra rất nhiều thách thức mới, nhưng chúng cũng có những hạn chế, nhược điểm mà nếu biết tận dụng vẫn có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả. Thí dụ, vũ khí công nghệ cao có tính tích hợp hệ thống rất cao, chỉ cần sai sót nhỏ tại một mắt xích nào đó là cả hệ thống sẽ bị trục trặc, vô hiệu hóa. Hệ thống chỉ huy - kiểm soát - trinh sát công nghệ cao chủ yếu dựa vào các phương tiện kỹ thuật, do vậy, có thể bị đánh lừa bằng nghi binh, nghi trang, điều kiện địa hình, thời tiết… Tại các cuộc chiến ở I-rắc, Nam Tư, Afganistan, Syria… vũ khí chính xác của Mỹ đã nhiều lần bắn nhầm vào vị trí của lính Mỹ và đồng minh. Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” hiện đại nhất của Israel cũng không thể đánh chặn hết các loại hỏa tiễn thô sơ của Hamas. Còn tại Việt Nam, gần 50 năm trước, trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, bộ đội ra-đa và tên lửa đã nhanh chóng tìm ra điểm yếu cốt lõi của B52 và hệ thống gây nhiễu của Mỹ. Không chỉ thời gian gần đây mà ngay từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Quân đội ta đã sớm triển khai nhiều công trình, đề án, đề tài nghiên cứu về các cuộc chiến tranh nêu trên xét từ góc độ của nhiều chuyên ngành: khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự, CNQP... Từ đó, đã hình thành những cơ sở lý luận và thực tiễn về các giải pháp chuẩn bị phòng tránh, đánh trả thắng lợi các loại hình chiến tranh kiểu mới, trong đó có chiến tranh công nghệ cao.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Vậy, xét từ góc độ chuẩn bị đối phó với chiến tranh công nghệ cao, đâu là những yếu tố tiên quyết để chúng ta giành thắng lợi?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Tôi nghĩ, có 3 yếu tố quan trọng nhất, đó là: con người, nghệ thuật quân sự và vũ khí. Chắc chắn rằng, giải pháp liên quan tới vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) gắn trực tiếp nhất với nhiệm vụ chính trị của ngành CNQP Việt Nam.


Vũ khí siêu âm là một trong những loại vũ khí công nghệ cao.   Ảnh: Internet

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, nếu được phép so sánh, CNQP Việt Nam hiện đang ở thứ bậc nào so với thế giới?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh:  Trên thế giới đang có rất nhiều quan điểm khác nhau về tiêu chí đánh giá trình độ phát triển CNQP của mỗi quốc gia. Nếu xét một cách tổng thể và khái quát, đặc biệt là các tiêu chí về năng lực sản phẩm, trình độ thiết kế công nghệ và mức độ tự lực, tự cường thì có thể khẳng định rằng, từ một vài nhiệm kỳ trước, CNQP Việt Nam đã bắt đầu đạt được quy mô và trình độ trung bình của thế giới. Hiện nay và những năm tới, chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều thách thức để phấn đấu vượt qua "ngưỡng phát triển trung bình" đó. Quá trình này chắc chắn không thể chỉ thực hiện bằng các bước đi ngắn hạn và lại càng không thể bó buộc trong "tư duy nhiệm kỳ". Muốn vậy, nhất thiết phải hội tụ đủ cả 3 yếu tố then chốt: tầm nhìn chiến lược, lộ trình khả thi và giải pháp hiệu quả. Với những định hướng dài hạn về xây dựng và phát triển CNQP mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định, tôi có niềm tin chắc chắn rằng, CNQP Việt Nam sẽ đạt được "thứ bậc" tiên tiến, hiện đại, gắn với cột mốc lịch sử 2030 và 2045.

“Tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, nhất là các loại vũ khí chiến lược”.

  (Nguồn: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

SẼ CÓ SỰ ĐỘT PHÁ VÀ SÁNG TẠO TRONG NGHIÊN CỨU VŨ KHÍ MỚI

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Theo đồng chí, để góp phần đối phó thắng lợi với vũ khí công nghệ cao, nhiệm vụ trọng tâm của CNQP Việt Nam là gì?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Vũ khí công nghệ cao và chiến tranh công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức mới, tác động nhiều mặt tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói chung và nhiệm vụ chính trị của ngành CNQP nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta còn phải lưu ý tới những tác động trực tiếp và gián tiếp của Cách mạng khoa học kỹ thuật- công nghệ quân sự và Cách mạng công nghiệp 4.0. Cả 2 cuộc cách mạng này đều ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề dự báo chiến tranh tương lai và các giải pháp chuẩn bị đối phó, trong đó bao gồm cả chuẩn bị về VKTBKT. Ứng dụng thành tựu của 2 cuộc cách mạng này vào thực tiễn phát triển CNQP Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở việc hiện đại hóa riêng lẻ từng chủng loại VKTBKT, mà phải tích hợp hệ thống nhiều loại vũ khí đã được hiện đại hóa để tạo đột phá về tính năng của toàn bộ hệ thống mới - hệ thống thông minh trên cơ sở tích hợp nhiều sản phẩm vũ khí thông minh. Vì vậy, theo tôi, sản xuất CNQP và nghiên cứu khoa học kỹ thuật - công nghệ quân sự trong thời gian tới phải được gắn kết chặt chẽ để cùng triển khai 2 nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu:

Thứ nhất, nghiên cứu tìm hiểu vũ khí công nghệ cao của đối phương để hiểu rõ bản chất, điểm mạnh, điểm yếu để tìm ra các giải pháp đối phó hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, cần bổ sung thêm nội dung theo dõi, nghiên cứu xu hướng phát triển và thiết kế - công nghệ các loại vũ khí công nghệ cao của cả đối tượng và đối tác, để có dự báo chính xác, khách quan và có định hướng, giải pháp đúng đắn. Qua đó giúp CNQP vươn lên làm chủ vũ khí công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đặc biệt là yêu cầu làm chủ vũ khí nhập ngoại và phát triển chúng một cách sáng tạo cho phù hợp với Nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thứ hai, ngành CNQP Việt Nam phải tập trung nguồn lực nghiên cứu - phát triển để thiết kế, chế tạo, hiện đại hóa VKTBKT cho các lực lượng vũ trang, trong đó ưu tiên phát triển vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh, vũ khí có điều khiển, vũ khí tích hợp hệ thống… Hiện đại hóa vũ khí không thể và không nên đề ra mục tiêu đối xứng, tức là địch có gì thì ta có nấy, mà phải biết lựa chọn và sáng tạo những công nghệ tương thích, phù hợp với điều kiện đất nước. Đồng thời, cũng phải hướng tới những mục tiêu lâu dài hơn, phải khắc phục tình trạng “có gì đánh nấy”, chủ động tạo ưu thế mới bằng những phương thức tác chiến mới có sử dụng vũ khí công nghệ cao “Made in Vietnam”.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Tôi rất tâm đắc với câu đồng chí vừa nói, hiện đại hóa vũ khí phải biết lựa chọn và sáng tạo những công nghệ phù hợp, tương thích. Thế nhưng để thực hiện điều đó cũng không hề đơn giản. Vậy CNQP Việt Nam cần được phát triển như thế nào để đáp ứng được yêu cầu đó?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, CNQP Việt Nam phải có bước phát triển mới mang tính bản lề, trong đó có mục tiêu phải vượt ngưỡng trình độ phát triển trung bình như tôi đã đề cập ở trên. Tức là từ trình độ thiết kế, chế tạo các loại vũ khí cho bộ binh với các chuyên ngành công nghệ cơ khí - hóa nổ… đến vươn lên làm chủ công nghệ chế tạo các chủng loại vũ khí thông minh và tối tân cho các quân, binh chủng, với trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới và khu vực.

Trong quá trình đó, cần lưu ý tới đặc thù của vũ khí công nghệ cao là tính lưỡng dụng. Thí dụ, ra-đa, tàu chiến, máy thông tin liên lạc… có rất nhiều vật tư và công nghệ lưỡng dụng. Vì thế, từ ra-đa quân sự có thể chế tạo các loại ra-đa khí tượng, ra-đa hàng hải, ra-đa đánh bắt cá, ra-đa hàng không dân dụng. Chi phí cho nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí công nghệ cao rất lớn, mức độ rủi ro đầu tư rất cao, trong khi tốc độ lạc hậu lại rất nhanh nên tuổi thọ của vũ khí công nghệ cao ngắn hơn. Thực tế, nhiều loại vũ khí bộ binh sau 70 năm vẫn phát huy tính năng trong tác chiến, nhưng máy bay, tên lửa… lại có thời hạn phải thanh lý sớm hơn rất nhiều. Mặt khác, vũ khí công nghệ cao cũng chịu rất nhiều hạn chế, cấm vận, trở ngại quốc tế trong chuyển giao công nghệ. Vì thế, làm chủ vũ khí công nghệ cao không chỉ đòi hỏi nguồn lực lớn về đầu tư, mà còn có các yêu cầu đột phá về thể chế, liên kết phân công chuyên môn hóa, khả năng thích ứng và cạnh tranh thị trường trong nước, quốc tế và đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao.

Kinh nghiệm của các thế hệ Quân giới đi trước mà chúng ta cần kế thừa là: trong thông minh hóa vũ khí phải đề cao các tiêu chí “Việt hóa”. Cần chú trọng các giải pháp tuy giản đơn, ít tốn kém nhưng đạt hiệu quả cao về tính năng độc đáo, bí mật, bất ngờ và khả năng vô hiệu hóa vũ khí công nghệ cao của đối phương. Tôi xin nhấn mạnh rằng, làm vũ khí luôn phải xuất phát từ chân lý về vai trò quyết định, không thể thay thế được của yếu tố con người.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin hỏi, là người gắn bó lâu năm với ngành sản xuất vũ khí trong nước, đồng chí có thể chia sẻ điều gì về bản thân và ngành CNQP Việt Nam?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Mới đây, sau 45 năm liên tục công tác trong Quân đội và ngành CNQP, tôi chính thức được trên cho nghỉ chế độ. Thực sự, tôi có rất nhiều nỗi niềm muốn chia sẻ nhưng chỉ có thể bày tỏ một điều đó là, nếu thời gian có quay trở lại tuổi thanh xuân, tôi vẫn chọn gắn bó với ngành Quân giới - CNQP. Còn liên quan đến nhiệm vụ chung, tôi tin tưởng rằng, với những tiền đề và thành tựu đã đạt được, CNQP Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, nhất là có sự đột phá và sáng tạo trong nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của Quân đội.

Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban biên tập Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế. Bản thân tôi luôn đánh giá cao sự đóng góp của Tạp chí trong công tác tuyên truyền và phổ cập tri thức, đồng thời góp phần lan tỏa thông tin, hình ảnh phong phú, tích cực về CNQP Việt Nam.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÊ THIẾT HÙNG (Thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: