Tin cơ sở

CNQP&KT - Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu, Công ty TNHH Một thành viên 76 (phiên hiệu quân sự là nhà máy z176) tưởng như khó có thể vượt qua khó khăn này. Tuy vậy, nhờ sự năng động, sáng tạo, Công ty đã biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Công ty TNHH Một thành viên 76 (gọi tắt là Công ty 76) là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Những năm qua, Công ty là một trong những doanh nghiệp thường xuyên dẫn đầu Tổng cục về doanh thu kinh tế, đặc biệt là kinh tế xuất khẩu với các nhóm hàng may mặc có yếu tố thủ công cao. Từ năm 2014 đến nay, doanh thu kinh tế của Công ty luôn đạt trên 1.150 tỷ đồng (chiếm 93% tổng doanh thu), trong đó kinh tế xuất khẩu chiếm 80%; bảo đảm việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Với quy mô sản xuất kinh tế và lực lượng lao động lớn, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động, tạo áp lực rất lớn đến nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Để duy trì sản xuất, nhất là giữ vững thị trường xuất khẩu, Công ty phải cùng lúc giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc như về hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, vấn đề đối tác nhập khẩu hủy hợp đồng do dịch bệnh, tổ chức sản xuất phải gắn với các biện pháp kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt... Có thời điểm, do thiếu vỏ container khiến hàng hóa của Công ty phải lưu kho nhiều, trong khi mặt bằng hạn chế dẫn đến việc sắp xếp quy trình sản xuất chưa được tối ưu, phát sinh thêm chi phí vận chuyển nội bộ. Dịch bệnh cũng làm nguồn vật tư khan hiếm, giá tăng cao, gây khó khăn cho Công ty trong việc đàm phán về giá sản phẩm, bởi chi phí vật tư chiếm tỷ trọng 60-75% trong cơ cấu giá thành.

Năm 2020, doanh thu kinh tế - xuất khẩu của Công ty 76 tăng 6% so với năm 2019; được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu đạt trên 771 tỷ đồng (bằng 56% kế hoạch), tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020...

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP, cùng với việc chủ động đánh giá đúng tình hình, sự quyết tâm cao và áp dụng các biện pháp, cách làm sáng tạo của Đảng ủy và Ban giám đốc, Công ty 76 đã nhanh chóng ổn định sản xuất, duy trì tốt sản xuất quốc phòng và kinh tế, giữ vững đơn hàng xuất khẩu, bảo đảm doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty trở thành điểm sáng của Tổng cục CNQP trong việc biến thách thức thành cơ hội, vững vàng vượt qua khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, doanh thu kinh tế - xuất khẩu của Công ty tăng 6% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Công ty đạt trên 891 tỷ đồng (bằng 53% kế hoạch); doanh thu xuất khẩu đạt trên 771 tỷ đồng (bằng 56% kế hoạch), tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập bình quân đạt trên 11,2 triệu đồng/người/tháng.


Ba lô ICE do Công ty TNHH Một thành viên 76 sản xuất cho Tập đoàn DECATHLON (Pháp). Ảnh: CTV

Với những nỗ lực để khẳng định uy tín và năng lực, Công ty 76 được các đối tác đánh giá cao: Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) công nhận là nhà cung cấp rủi ro thấp (từ tháng 4/2021) và đảm bảo chất lượng tốt, đặc biệt là đối với công tác phát triển sản phẩm mới; Tập đoàn DECATHLON (Pháp) đánh giá tốt về mọi mặt, có sự tin cậy cao...; được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020.

Từ thực tiễn nhiều năm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 76 xác định phải thực hiện xuyên suốt, đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, giữ và phát triển bền vững đối với các khách hàng truyền thống, như: IKEA, DECATHLON, POLYCNCEPT. Đây là những khách hàng chiến lược, mang lại 60-70% tổng doanh thu, do đó Công ty luôn có chính sách ưu tiên về mọi mặt, bảo đảm đáp ứng ổn định số lượng, chất lượng, tiến độ các đơn hàng.

Hai là, chủ động phát triển thêm khách hàng mới và sản phẩm mới. Đây là giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro khi đối tác truyền thống giảm sản lượng. 6 tháng đầu năm 2021, ngoài các khách hàng không thường xuyên như BIKEZAC (Đan Mạch), TRIWIN (Mỹ), Công ty đã hợp tác với đối tác SINBOU (Nhật Bản) sản xuất lều dã ngoại, ARTEX AMAZON (Mỹ) sản xuất túi vải không dệt...


Công nhân Công ty TNHH Một thành viên 76 thực hiện một công đoạn trong sản xuất khẩu trang phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.   Ảnh: CTV

Ba là, chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời, linh hoạt chuyển đổi sản xuất, kinh doanh. Điển hình là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất vải không dệt, sản xuất khẩu trang phòng dịch, áo làm mát, kính chắn, kính che mặt và áo bảo hộ y tế, kịp thời cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định việc làm cho cán bộ, công nhân viên, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Công ty đã nhận gia công sản xuất nhóm hàng ba lô ICE cho nhà cung cấp TBS của DECATHLON, vừa khẳng định năng lực với khách hàng vừa tiếp cận, học tập kinh nghiệm quản lý, công nghệ sản xuất của nhà cung cấp về mặt hàng này. Từ đó, Công ty ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng cho năm tiếp theo.

Bốn là, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, chuyên nghiệp. Công ty tích cực, sáng tạo đổi mới phương thức quản lý, điều hành phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, điều hành, đàm phán, ký kết hợp đồng trực tuyến; cải tiến quy trình làm việc, tối đa hóa lợi nhuận, tạo thuận lợi cho nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Nhằm đáp ứng xu hướng phát triển, Công ty quyết tâm triển khai Dự án “Chuyển đổi số”, trả lương 3P... nhằm tạo môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, mang lại dịch vụ vượt trội cho khách hàng và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng quy trình quản lý chất lượng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và truy nguyên nguồn gốc các nguyên công trên tem gắn mã số: nhà cung cấp, định vị sản phẩm, kiểm soát số lượng và chất lượng chính xác. Sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý để bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng vừa nâng cao uy tín của Nhà máy, thể hiện rõ cam kết đối với khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Công ty 76 đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất vải không dệt, sản xuất khẩu trang phòng dịch và áo bảo hộ y tế, kịp thời cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.                                    

Năm là, chủ động, tích cực trong đảm bảo điều kiện sản xuất, giao hàng xuất khẩu. Trước tình trạng khan hiếm vỏ container, Công ty không phụ thuộc và chờ đợi sự sắp xếp của các hãng tàu truyền thống mà chủ động làm việc với các hãng tàu khác để có được vỏ container đóng hàng. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu của Công ty vẫn tăng trưởng mạnh. Quản lý chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, như: vật tư, nhân công… Vật tư cho sản xuất được quản lý chặt chẽ từ khâu lập định mức, xác định tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ hỏng sát thực tế, đảm bảo đúng, đủ; giá vật tư đầu vào có tính cạnh tranh; tìm hiểu để áp dụng các chính sách thuế nhập khẩu, thuế chống phá giá... Đối với nhân công áp dụng triệt để Đề án tinh gọn LEAN nhằm tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ, tối ưu hóa chi phí. Ngoài ra, Công ty cũng đảm bảo các yếu tố phòng dịch cho lực lượng lao động, tránh tình trạng phải nghỉ việc, làm gián đoạn dây chuyền sản xuất.

Những chủ trương, giải pháp nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp Công ty 76 đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn, khẳng định sự đúng đắn, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP và sự quyết tâm cao của lãnh đạo, chỉ huy Công ty 76 để ổn định sản xuất, nhất là các sản phẩm kinh tế xuất khẩu. Những kết quả này sẽ là động lực giúp Công ty vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới.

Đại tá LÊ VĂN CHIẾN

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên 76

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: