Tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng trong hoạt động khoa học và công nghệ quân sự21/09/2021 03:54:11 PMCNQP&KT - Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia còn hạn chế, thì việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, hội nhập và hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN quân sự là tất yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển KH&CN nước ta nói chung, KH&CN quân sự nói riêng. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; trong đó xác định một số giải pháp thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hoạt động KH&CN, như: “Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ”; “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức KH&CN tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH&CN của Việt Nam”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định rõ các nhiệm vụ: “Phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm;… có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ;… tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học”; “Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN, đa dạng hóa các đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền KH&CN tiên tiến; gắn kết chặt chẽ hợp tác quốc tế về KH&CN với hợp tác kinh tế quốc tế”. Quyết định số 735/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cũng thể hiện rõ mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh về KH&CN, rút ngắn khoảng cách về KH&CN với các nước trên thế giới. Các tổ chức KH&CN trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm có đủ năng lực hợp tác với các đối tác nước ngoài; tiếp thu, làm chủ, đổi mới sáng tạo công nghệ; xác lập được vị trí trên thị trường khu vực và thế giới. KH&CN quân sự là bộ phận của KH&CN quốc gia, do đó, quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quân sự trong giai đoạn mới là xu thế tất yếu, khách quan.
Như vậy, kết hợp kinh tế - quốc phòng, hội nhập và hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN quân sự có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển KH&CN nước ta nói chung, KH&CN quân sự nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp kết hợp kinh tế - quốc phòng và hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN quân sự là hết sức cần thiết. Trong đó, việc xác định rõ phương hướng, đề ra mục tiêu khả thi, phù hợp với khả năng của KH&CN quốc gia nói chung, KH&CN quân sự nói riêng và đặc thù của mỗi lĩnh vực là rất quan trọng. Cụ thể là: Thứ nhất, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong hoạt động KH&CN quân sự. Một trong những nội dung hết sức quan trọng là Nhà nước cần ban hành và triển khai sớm các quy định, điều kiện pháp lý cụ thể về liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quân sự. Do KH&CN quân sự có tính đặc thù, liên quan đến bí mật quân sự, quốc phòng nên các tổ chức, cá nhân ngoài quân đội rất khó tham gia vào các hoạt động này, nhất là nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự đặc thù. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực KH&CN quân sự có tính lưỡng dụng cao, như khoa học xã hội và nhân văn, y dược học, công nghệ thông tin, cơ khí, điện - điện tử, công nghệ vật liệu... hoàn toàn có thể hợp tác với các tổ chức, chuyên gia KH&CN ngoài quân đội có trình độ, năng lực cao để thực hiện các nhiệm vụ này. Qua đó, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa nâng cao được trình độ, năng lực đội ngũ nhân lực KH&CN thuộc Bộ Quốc phòng và phát huy tính lưỡng dụng của các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn. Vì vậy, Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và cơ chế chính sách cụ thể để cho phép, thu hút, huy động các tổ chức, chuyên gia KH&CN trong nước tham gia vào các hoạt động KH&CN quân sự, như: tư vấn định giá, đánh giá, lựa chọn công nghệ; tư vấn xét duyệt, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ; đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN hoặc thực hiện các hợp đồng thuê khoán chuyên môn, cung cấp các dịch vụ KH&CN. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, định hướng cho các tổ chức KH&CN quốc gia tham gia nghiên cứu làm chủ các công nghệ lưỡng dụng, công nghệ nền, công nghệ mũi nhọn; tham gia triển khai các dự án sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại hoặc các sản phẩm quốc phòng thiết yếu nhanh chóng, hiệu quả nhất. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cần ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp quốc phòng (đây đang là khoảng trống trong quản lý nhà nước cũng như đầu tư phát triển KH&CN quân sự). Cùng với đó, cần quy định cụ thể hoạt động liên kết, hợp tác trong phạm vi Bộ Quốc phòng giữa 4 bên (doanh nghiệp - viện nghiên cứu - học viện, nhà trường - cơ quan khoa học quân sự) trong thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể trên nguyên tắc xây dựng, khoa học, công bằng, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm; xác định rõ quy trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN; các thành phần chủ trì, tham gia, phối hợp và mối quan hệ công tác trong từng bước quy trình; các nguồn lực bảo đảm, trách nhiệm bảo đảm trong từng nội dung, từng bước thực hiện nhiệm vụ. ![]() Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), chủ động nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất quốc phòng và kinh tế. Ảnh: CTV Thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần nâng cao khả năng chủ động, tự chủ trong nghiên cứu KH&CN quân sự, tiết kiệm được nguồn lực đầu tư, đồng thời mang lại lợi ích cho cả 4 bên tham gia. Theo đó, các tổ chức KH&CN nâng cao được năng lực, trình độ, chất lượng nghiên cứu; doanh nghiệp có điều kiện để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng đổi mới công nghệ; nhà trường nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; cơ quan khoa học quân sự nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo hoạt động KH&CN trong cả hệ thống với các mối quan hệ rộng, sâu, phức tạp hơn. Thứ hai, kết hợp quốc phòng với kinh tế trong hoạt động KH&CN. Đây là hướng đi phù hợp với thực tiễn trong điều kiện ngân sách dành cho hoạt động KH&CN quân sự còn hạn hẹp; đồng thời gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, trình độ KH&CN quân sự phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và hướng tới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Trước hết, để thực hiện mục tiêu này, ngành KH&CN Quân đội cần tận dụng tối đa các nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực, chủ động đăng ký, cạnh tranh để nhận được hỗ trợ từ các quỹ phát triển KH&CN quốc tế (Nafosted) hoặc doanh nghiệp trong nước (Vingroup) thực hiện các đề tài, dự án, hợp đồng KH&CN có giá trị để gia tăng lợi ích kinh tế, quốc phòng cũng như giá trị thương hiệu, uy tín của các tổ chức, chuyên gia KH&CN trong Quân đội. Trong quá trình kết hợp, cần tăng cường thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ hai chiều, từ Bộ Quốc phòng ra ngoài nền kinh tế và từ KH&CN quốc gia vào các hoạt động quân sự, quốc phòng. Với tiềm lực KH&CN quân sự tương đối mạnh, Quân đội có nhiều cơ hội để thực hiện các dịch vụ KH&CN ra ngoài nền kinh tế, như: chuyển giao các kết quả nghiên cứu có giá trị KT-XH cao (như các kết quả nghiên cứu về y, dược học của Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; robot của Học viện Kỹ thuật quân sự; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống bảo hiểm y tế, xã hội toàn quốc của Tập đoàn Viettel...); cho thuê, mượn, dùng chung các phòng thí nghiệm, các trang - thiết bị hiện đại của Quân đội phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực KH&CN...
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN quân sự. Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng Công nghiệp 4.0) và xu hướng tăng cường hợp tác thương mại song phương, đa phương hiện nay, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN quân sự đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và dưới nhiều dạng thức khác nhau. Do vậy, hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN quân sự trong giai đoạn mới cần thực hiện tốt những vấn đề sau: Một là, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện các hoạt động tiếp nhận thành tựu KH&CN lưỡng dụng, quân sự từ nước ngoài. Đặc biệt, cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn trong quá trình khảo sát, đánh giá, định giá; lựa chọn đối tác, đàm phán ký kết hợp đồng và thực thi các văn kiện pháp lý quốc tế; tháo gỡ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế nhằm hạn chế tối đa những rủi ro và khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN quân sự, nhất là các dự án chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Hai là, mở rộng hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy, rút ngắn khoảng cách về trình độ so với khu vực và thế giới, nhanh chóng “đi tắt đón đầu” trong các lĩnh vực KH&CN quân sự. Kiên trì nguyên tắc hợp tác tự nguyện, không để bị áp đặt điều kiện chính trị; không lệ thuộc vào phương tiện, vật tư, công nghệ nước ngoài. Về lĩnh vực hợp tác cần ưu tiên các lĩnh vực công nghệ nền, công nghệ then chốt để thúc đẩy khả năng tự chủ sản xuất máy công cụ vạn năng, chuyên dụng và sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, thế hệ mới; các công nghệ lưỡng dụng có giá trị; các công nghệ gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0. Về nhân lực, cần có cơ chế đặc biệt để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế tham gia các chương trình, dự án chuyển giao công nghệ và các chương trình chuyển giao kết hợp đào tạo nhân lực về KH&CN trong Quân đội hoặc làm việc cho các doanh nghiệp quốc phòng hoạt động theo cơ chế hạch toán. Ba là, có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong thực hiện các dịch vụ KH&CN có tính lưỡng dụng. Từng bước thí điểm và nhân rộng một số mô hình, phương thức mới trong hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược, với các nước trong khu vực và một số tập đoàn xuyên quốc gia… trong các hoạt động KH&CN quân sự đặc thù, như: rà phá bom mìn, xử lý chất độc da cam/dioxin... cũng như phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, lưỡng dụng mà một số đơn vị, doanh nghiệp trong Quân đội đang tiến hành như trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông quốc tế (Viettel), sản xuất vắc xin phòng dịch Covid-19 (Học viện Quân y); tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong hệ thống sản xuất các sản phẩm quốc phòng... Đồng thời, nhận định và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác quốc tế để thực hiện các dịch vụ KH&CN quân sự, lưỡng dụng, nhanh chóng tiếp thu các thành tựu KH&CN hiện đại của thế giới, nâng cao năng lực KH&CN quân sự trong nước, góp phần hiện đại hóa Quân đội nước ta trong tình hình mới. Trung tá, ThS. PHẠM THANH TOÀN* & Thượng tá, ThS. LÊ QUANG TRUNG**
____________________ Tài liệu tham khảo 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2. Điều lệ Công tác khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư số 94/2016/TT-BQP ngày 25/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (K2, Đ73).
|