Tin cơ sở

CNQP&KT - Đã có thời, Z113 là một trong những đơn vị thuộc tốp đầu của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Nhưng do nhiều nguyên nhân, Nhà máy dần “tụt hạng” và phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Song đến thời điểm này, Z113 đã “phong độ hơn xưa”. Vậy, Nhà máy đã vượt khó bằng cách nào?

THAY ĐỔI NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM

Kế hoạch đặt ra trong năm 2021 của Nhà máy Z113 là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm, với tổng doanh thu đạt trên 2.100 tỷ đồng. Đây là một con số “không tưởng” nếu ngược thời gian 4-5 năm về trước. Bởi thời điểm đó, mọi mặt công tác của Nhà máy đều dừng ở mức hoàn thành, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ Nhà máy nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là tăng trưởng doanh thu kinh tế hằng năm từ 5-6%, phấn đấu có sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, Nhà máy chỉ đạt mục tiêu giữ vững thị phần tiêu thụ, hoàn thành kế hoạch hàng năm. Do vậy, có thời điểm một số bộ phận lao động thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Éo le ở chỗ, dù người lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp, nhưng bộ phận gián tiếp, bổ trợ của Nhà máy lại chiếm tới 38,6% quân số, nhiều vị trí hiệu quả và chất lượng công tác không cao… Những khó khăn đó đã được Đảng ủy Nhà máy thẳng thắn đánh giá, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nhất là nguyên nhân chủ quan: Đó là do việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng chưa sát thực tế; lãnh đạo đầu tư phát triển sản phẩm mới, tìm tạo việc làm chưa có sự đột phá, không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra; chưa thực sự quyết tâm trong giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ và đặc biệt là chưa quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn kỹ thuật, công nhân kỹ thuật cao…


Công nhân Nhà máy Z113 làm chủ dây chuyền, thiết bị mới được đầu tư. Ảnh: MẠNH CHIẾN

Điểm qua những khó khăn, hạn chế đã qua, để thấy, sự bứt phá vươn lên thành “doanh nghiệp nghìn tỷ” của Z113 thật không dễ dàng. Và chắc chắn, không có phép màu nào mang đến sự đổi thay ấy, mà tất cả đều do khối óc, bàn tay của hàng nghìn con người đang cùng chung sức xây dựng Nhà máy.

Với hiện trạng nhiều khó khăn, hạn chế của Z113 trong giai đoạn 2015-2019, thì việc “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là chưa đủ. Người Z113 thuần hậu, chất phác, nhiệt tình với công việc, nhưng họ cần có người dẫn hướng mạnh mẽ và quyết liệt, biết khơi dậy khả năng tiềm ẩn của mỗi người. Có câu “cán bộ nào phong trào ấy” để nói về mối liên hệ giữa đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói chung, người đứng đầu nói riêng với chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này thật đúng với Z113, bởi từ khi có sự thay đổi cán bộ quản lý, điều hành, Nhà máy mới từng bước vượt thách thức, vững bước đi lên. Và dấu mốc thời gian được xác lập cho chặng đường mới của Z113 được bắt đầu vào năm 2019, khi Ban giám đốc Nhà máy hầu hết là những người mới, từ đồng chí Giám đốc, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Công ty, đến các phó giám đốc. Những ngày đầu “ngồi ghế nóng”, Thượng tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy, nhìn đâu cũng thấy “những việc cần làm ngay”. Còn Đại tá Trần Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Hóa chất 13 (tên doanh nghiệp của Nhà máy Z113), thì xác định, việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên, người lao động thấu suốt chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy, Ban giám đốc cần được đặt lên hàng đầu.

 

Do tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhà máy Z113 liên tục đạt các mốc doanh thu cao nhất từ trước đến nay: năm 2019, lần đầu tiên doanh thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng; năm 2020 đạt gần 1.500 tỷ đồng và phấn đấu đạt hơn 2.100 tỷ đồng vào năm 2021.

(Nguồn: Phòng Kế hoạch, Nhà máy Z113)

Việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cả một bộ máy gồm hàng nghìn con người cũng không phải là chuyện một sớm, một chiều. Nhưng chính sự quyết liệt, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu Z113 đã có tác dụng cổ vũ, động viên, khuyến khích mọi người hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên, cùng với đó là những giải pháp căn cơ, bài bản mang lại việc làm, thu nhập cho người lao động và cao hơn nữa là xác định chiến lược phát triển, tìm hướng đi mới của Nhà máy.

Thượng tá Trần Chí Dũng kể rằng, thời gian đầu nhận nhiệm vụ “chèo lái Z113”, anh đã phải ký quyết định cho hàng chục lao động xin thôi việc, do thu nhập thấp không đủ để trang trải cuộc sống. Thực tế đó càng thôi thúc anh phải nhanh chóng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn của đơn vị. Ở giai đoạn này, Ban giám đốc Nhà máy quán triệt tinh thần "không ngại khó, sợ khổ" đến từng bộ phận, phân xưởng, xí nghiệp và các phòng, ban chức năng. Cùng với việc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sắp xếp lại các vị trí công tác và tái đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy còn tập trung tuyển chọn lớp kỹ sư, cử nhân chất lượng cao tốt nghiệp các trường trong và ngoài nước về. Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy cũng tin tưởng giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ có năng lực; đồng thời, xây dựng quy chế trả lương mới gắn với hiệu quả lao động; áp dụng hệ thống chấm công tự động. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ của Nhà máy đã giảm xuống dưới 35% và phấn đấu đến cuối năm 2021 giảm xuống dưới 30% trên tổng quân số.

Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy cũng nhận thức được một nền sản xuất hiện đại, có tính cạnh tranh cao không thể chỉ dựa vào sức người, mà phải biết khai thác, làm chủ thiết bị, công nghệ tiên tiến. Ngặt nỗi, ở Z113 vẫn còn khá nhiều trang-thiết bị cũ kỹ, lạc hậu… Nhưng bằng hành động thực tiễn, những người lính thợ Z113 đã chứng minh năng lực, trình độ tay nghề trong thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã phân cấp trách nhiệm đến từng xưởng, xí nghiệp, phòng chức năng trong việc nắm bắt thực trạng trang - thiết bị để tham mưu, đề xuất sửa chữa, phục chế hoặc mua mới. Chính vì thế, đội ngũ kỹ sư, thợ bậc cao của Nhà máy đã chủ động tự thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị, trang bị công nghệ đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Mặt khác, Nhà máy tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, với 21 đề tài, nhiệm vụ các cấp đã được thực hiện trong 5 năm qua và có đến hơn 1.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi hơn 10 tỷ đồng.

HIỆU QUẢ THỰC TẾ

Bước chuyển căn bản của Z113 đó là một số dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Cũng cần nói thêm, trước đây, chất lượng công tác quản lý đầu tư của Z113 vẫn còn có mặt hạn chế, thể hiện ở một số dự án đầu tư chậm tiến độ, cá biệt là Dự án dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT được nghiệm thu vào năm 2013 nhưng đến tận cuối năm 2019 mới thực sự phát huy hiệu quả. Điều đáng nói, không chỉ “đánh thức” một dây chuyền đang “ngủ yên”, Nhà máy còn khai thác được tối đa năng lực của nó trong cả nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế. Và sản phẩm xuất khẩu đầu tiên của Z113 chính là thuốc nổ TNT công nghiệp.

Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về doanh thu trên 6%/năm, giá trị tăng thêm trên 4%/năm, thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 14,3 triệu đồng/người/tháng.

(Nguồn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà máy Z113 nhiệm kỳ 2020-2025)

Khi Giám đốc Trần Chí Dũng đặt ra mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, có người xem đó là ý tưởng viển vông, vậy mà chỉ trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Z113 đã ký kết hợp đồng xuất khẩu 1.093 tấn thuốc nổ  TNT công nghiệp sang thị trường Philippines và Indonesia. Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy phải từ chối vài đơn hàng xuất khẩu để tập trung cho nhiệm vụ trong nước. Điều này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Nhà máy mà còn khẳng định sự tin tưởng giao nhiệm vụ của cấp trên đối với Z113. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z113 luôn kiên định chủ trương, định hướng xây dựng Nhà máy trở thành doanh nghiệp quốc phòng - an ninh mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Do vậy, Nhà máy đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng; đặc biệt là nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, với hàng chục loại sản phẩm mới được đưa vào sản xuất. Đồng thời, Nhà máy cũng tích cực đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quốc phòng nhóm II, với 8 chủng loại sản phẩm phục vụ cho huấn luyện, diễn tập của lực lượng vũ trang.

 Đối với sản xuất hàng kinh tế, trong điều kiện thị trường vật liệu nổ công nghiệp trong nước có dấu hiệu bão hòa, mức tăng trưởng thấp, Nhà máy một mặt mở hướng xuất khẩu thành công; mặt khác, xác định cần phát triển thêm các dòng sản phẩm mới để đạt mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế hằng năm. Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương mới, có thể sản xuất được 6 mác sản phẩm (tiên tiến hơn dây chuyền hiện có của các đơn vị khác), Z113 đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong tìm tạo thị trường, sản phẩm mới. Cùng với các sản phẩm đã được định danh trên thị trường như thuốc nổ, mũi khoan khai thác, danh mục sản phẩm kinh tế Z113 đang nghiên cứu chế tạo cũng hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai đó là quả cầu chữa cháy, hệ thống phóng chữa cháy từ xa, đạn thể thao, phương tiện bay không người lái…

NỖ LỰC VƯƠN TỚI NHỮNG ĐỈNH CAO

Giai đoạn 2020-2025, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z113 xác định lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 2 khâu đột phá, đó là: Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đổi mới về tổ chức sắp xếp cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung năng lực sửa chữa lớn đạn pháo, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, kinh tế và tiếp tục phát triển sản phẩm mới. Theo đó, Nhà máy tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và tiếp tục áp dụng phương pháp quản lý Kaizen-5S; ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 vào hoạt động tổ chức, quản lý sản xuất và điều hành doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; từng bước xây dựng nhà máy CNQP thông minh, có phương pháp quản trị tiên tiến; chủ động hội nhập, hợp tác, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng tập trung rà soát đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm mới và những sản phẩm còn có vướng mắc, năng suất hạn chế. Chủ trương, định hướng của Nhà máy là kết hợp đầu tư trọng điểm để có sản phẩm chiến lược với đầu tư xen kẽ ở những chặng công nghệ có tính chất quyết định đến chất lượng, năng suất sản phẩm và tự động hóa các công đoạn sản xuất nguy hiểm, độc hại. Đảm bảo sản xuất ổn định, giữ vững thị phần các sản phẩm then chốt quốc phòng và kinh tế với chất lượng ngày càng cao và giá thành ngày càng hạ. Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về doanh thu trên 6%/năm, giá trị tăng thêm trên 4%/năm, thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 14,3 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Trần Chí Dũng cho biết, để đạt mục tiêu xây dựng Nhà máy  phát triển chuyên nghiệp, Z113 còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của tập thể cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị. Thực tế chứng minh, Z113 đã và đang đặt nền móng vững chắc cho chặng đường phát triển mới. Với nhà điều hành mới, nhà xưởng - thiết bị mới, nhiều công trình phúc lợi mới… Z113 đã tạo được những thay đổi cả về việc làm và điều kiện thụ hưởng của cán bộ, công nhân viên, người lao động. Chắc chắn, trong hành trình vươn tới những đỉnh cao của Nhà máy Z113 sẽ còn nhiều thách thức nhưng với sự đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, cán bộ, công nhân viên, người lao động sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị 2 lần Anh hùng, đoàn kết xây dựng Nhà máy phát triển chuyên nghiệp, bền vững.

HÀ ANH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: