Dấu mốc phát triển của Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc19/08/2021 03:53:37 PMCNQP&KT - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Trung Quốc chính thức hình thành ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, giành được chính quyền. Từ đó, nền CNQP nước này đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những dấu mốc quan trọng. SỰ TƯƠNG TRỢ CỦA LIÊN XÔ Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), một trật tự thế giới mới được hình thành với 2 cực là Liên Xô và Mỹ. Nhật Bản bại trận, trở thành đồng minh của Mỹ. Liên Xô cần một đồng minh tại châu Á để duy trì thế cân bằng chiến lược với Mỹ và đó là Trung Quốc. Khi ấy, cách mạng Trung Quốc vừa thành công cũng cần củng cố sức mạnh quân sự để giữ vững thành quả cách mạng và đối trọng với Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch đang được Mỹ ủng hộ. Ngày 14/2/1950, Trung Quốc đã ký Hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ với Liên Xô, đặt nền móng cho sự phát triển CNQP của Trung Quốc. Từ 1950-1956, Liên Xô đã xây dựng tại Trung Quốc hơn 200 cơ sở công nghiệp quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như: hóa chất, lọc dầu, công nghiệp nặng, chế tạo máy bay, đóng tàu, xe tăng… Phần lớn các loại vũ khí của Liên Xô đã được cấp phép để sản xuất tại Trung Quốc. Máy bay, tàu chiến, xe tăng và nhiều vũ khí khác đã được Trung Quốc chế tạo dưới sự giám sát và chuyển giao công nghệ của Liên Xô. Nhờ sự giúp đỡ to lớn đó, Trung Quốc đã xây dựng được nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương và trên cơ sở máy bay Mig-15, Trung Quốc phát triển thành công loại máy bay huấn luyện Mig-15UTI (JJ-2). Năm 1956, Trung Quốc được Liên Xô cấp giấy phép lắp ráp máy bay Mig-17 và đến năm 1957, Trung Quốc có khả năng chế tạo máy bay J-5 (tương đương Mig-17). Việc lắp ráp Mig-17 (J-5) tại Trung Quốc đã tạo tiền đề hình thành ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Máy bay Mig-21 cũng được Liên Xô cấp giấy phép sản xuất tại Trung Quốc với tên gọi Chengdu J-7. Trong lĩnh vực đóng tàu, những năm 1950, Liên Xô đã chuyển giao cho Trung Quốc 4 tàu khu trục nhỏ lớp Riga. Trên cơ sở đó, Trung Quốc đã đóng mới tàu Type-01 lớp Thành Đô và Type-07 lớp An Sơn. Từ đây đã hình thành nên ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc. Trong lĩnh vực sản xuất xe tăng, Liên Xô đã giúp Trung Quốc xây dựng một cơ sở sản xuất xe tăng (sau này phát triển thành Tổng công ty công nghiệp Hoa Bắc Trung Quốc - NORINCO). Những chiếc T-54 đầu tiên được Trung Quốc lắp ráp từ phụ tùng do Liên Xô cung cấp, về sau được thay thế dần bằng các chi tiết của Trung Quốc. Trên cơ sở xe tăng T-55 của Liên Xô, Trung Quốc đã phát triển thành Type-59. Hiện nay, NORINCO là nhà cung cấp nhiều trang - thiết bị vũ khí quan trọng cho bộ binh Trung Quốc. Về công nghệ tên lửa, cũng trong những năm 1950, theo Hiệp ước giữa 2 nước, Liên Xô tiến hành đào tạo cán bộ, chuyển giao tài liệu, thiết bị và giấy phép sản xuất để phát triển tên lửa đạn đạo tại Trung Quốc. Theo đó, Liên Xô đã chuyển giao cho Trung Quốc các nguyên mẫu tên lửa đạn đạo R-1, R-2 và R-11F. Trên cơ sở đó, Trung Quốc đã chế tạo được tên lửa đạn đạo Đông Phong 1 (DF-1) và tiếp tục phát triển dòng tên lửa Đông Phong từ tầm ngắn, tầm trung đến liên lục địa. Theo đánh giá, hiện nay, Trung Quốc là nước có kho tên lửa đạn đạo phong phú nhất thế giới. Về công nghệ hạt nhân, từ cuối năm 1957, Liên Xô đã chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân cho Trung Quốc, trừ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Tháng 9/1958, các nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ khởi động lò phản ứng thí nghiệm hạt nhân nước nặng đầu tiên của Trung Quốc và xây dựng máy gia tốc thực nghiệm; đồng thời, đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân cho Trung Quốc. Trong giai đoạn này, với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, đã hình thành nên bộ khung và tạo nền tảng vững chắc cho những bước phát triển của nền CNQP Trung Quốc. ![]() Tiêm kích J-11 của Trung Quốc “sao chép” nguyên mẫu Su-27 của Nga. Ảnh: Internet NHỮNG THĂNG TRẦM Do bất đồng về quan điểm chính trị giữa hai nước, năm 1961, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Khrushchev đã quyết định rút các chuyên gia đang làm việc tại Trung Quốc về nước, chấm dứt hợp tác và trợ giúp quân sự. Từ đây, nền CNQP non trẻ của Trung Quốc gần như “giậm chân tại chỗ”, mất phương hướng phát triển. Năm 1989, căng thẳng giữa hai nước tạm dừng, khi Tổng thống Liên Xô lúc đó là Gorbachev, đến thăm Bắc Kinh. Chuyến thăm này đánh dấu bước ngoặt mới đối với sự phát triển CNQP Trung Quốc.
Trước nguy cơ tụt hậu, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy cần phải tìm kiếm sự trợ giúp khác từ Mỹ với hy vọng sẽ lấp khoảng trống về công nghệ quân sự. Về phía Mỹ cũng muốn tạo ảnh hưởng và lôi kéo Trung Quốc chống lại Liên Xô. Do vậy, nhu cầu hợp tác Trung - Mỹ được thúc đẩy, đáp ứng được ý đồ của cả hai bên. Không những thế, Trung Quốc còn tranh thủ tăng cường quan hệ với các nước Tây Âu, đặc biệt là Israel, Pháp, Thụy Sỹ, với mục đích chính là tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự để phát triển CNQP. Ngay khi quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ được thiết lập, quan hệ quân sự cũng nhanh chóng được triển khai. Trung Quốc hy vọng đây là “cơ hội vàng” để có được công nghệ quân sự hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên, sự hợp tác quân sự Trung - Mỹ không đem lại kết quả như mong muốn, bởi Mỹ tỏ ra rất thận trọng trong mối quan hệ này. Năm 1985, Mỹ đã chuyển giao cho Trung Quốc 24 chiếc trực thăng đa năng S-70C Black Hawk. Đến năm 1986, Mỹ lại giúp Trung Quốc hiện đại hóa tiêm kích J-8II với hệ thống điện tử phương Tây. Đỉnh cao của hợp tác quân sự Trung - Mỹ là dự án hợp tác phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Jaguar. Đây là “chiếc xe tăng đa quốc gia”, thân xe là mẫu Type-59 của Trung Quốc (bản sao từ T-55 của Liên Xô), tháp pháo M68 của Anh và hệ thống điện tử của Mỹ. Tuy nhiên, sau sự kiện “Thiên An Môn” năm 1989, Mỹ đã dừng mọi quan hệ, thiết lập lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Dự án xe tăng Jaguar lập tức bị dừng lại. Do đó, hợp tác quân sự Trung - Mỹ chưa mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc cũng đã tranh thủ có được một số hệ thống vũ khí hiện đại, như: trên cơ sở hệ thống tên lửa đất đối không cơ động Crotale do Tập đoàn Thomson-CSF (Pháp) chuyển giao (1978-1979), Trung Quốc đã sao chép nguyên bản và phát triển thành HQ-7; sao chép hệ thống pháo phòng không kéo xe hiện đại Oerlikon GDF của Thụy Sỹ thành Type-90 và “nội địa hóa” thành hệ thống pháo phòng không tự hành PGZ-07… Theo giới chuyên gia quân sự, sự thận trọng và cảnh giác của Mỹ đã làm chậm sự phát triển của nền CNQP Trung Quốc. Những năm phát triển quan hệ với Mỹ, Trung Quốc không trực tiếp mua được các loại vũ khí và công nghệ hiện đại từ phương Tây, nhất là từ phía Mỹ. Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp “đi đêm” với các quốc gia thân cận của Mỹ để tiếp cận công nghệ quân sự hiện đại. ![]() Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn 094. Ảnh: Internet Năm 1991, Liên Xô tan rã đã mở ra thời cơ mới cho Trung Quốc. Nước Nga mới thành lập còn yếu về kinh tế, do vậy, sẵn sàng bán cả những công nghệ quân sự hiện đại. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc lại đang có những bước tiến vượt bậc, ngân sách dành cho quốc phòng ngày một tăng. Giai đoạn 1991-2002, Trung Quốc triển khai các hợp đồng mua sắm vũ khí quy mô lớn với Nga, gồm: 2 tiểu đoàn tên lửa đất đối không tầm xa S-300PMU trị giá 220 triệu USD, 4 tiểu đoàn S-300PMU1 trị giá 800 triệu USD, 2 hệ thống S-300F - biến thể trang bị trên tàu chiến trị giá 200 triệu USD để trang bị cho tàu khu trục Type-051C, 4 tiểu đoàn S-300PMU2 trị giá 980 triệu USD. Tính đến cuối năm 2008, Trung Quốc có tổng cộng 160 xe phóng S-300 các loại, trong đó có 32 xe phóng S-300PMU, 64 xe phóng S-300PMU1, 64 xe phóng S-300PMU2; chuyển giao hơn 1.000 quả tên lửa. Trung Quốc cũng đã mua của Nga 29 hệ thống tên lửa đối không tầm thấp TOR trị giá 700 triệu USD. Ngoài ra, trong giai đoạn này, Trung Quốc còn mua của Nga 67 chiếc máy bay tiêm kích Su-27; 2 tàu ngầm lớp Kilo 877 EKM, 8 tàu ngầm Kilo 636 trị giá 1,5 tỷ USD; 2 tàu khu trục hạng nặng lớp Sovremenny Project 956 trị giá 800 triệu USD; đến năm 2002, lại mua thêm 2 chiếc nữa thuộc dự án nâng cấp 956 EM trị giá 1,5 tỷ USD. Năm 1995, Trung Quốc đàm phán mua giấy phép sản xuất 200 chiếc Su-27 của Nga, trị giá 2,5 tỷ USD. Năm 1999, Trung Quốc ký với Nga hợp đồng mua 76 chiếc Su-30MKK; đến năm 2003, tiếp tục đặt mua thêm 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2. Với chủ trương sao chép công nghệ, sau khi sản xuất được khoảng 100 chiếc Su-27 theo giấy phép, Trung Quốc đã có thể tự sản xuất được Su-27 với ký hiệu là J-11. Sau đó, các hợp đồng quân sự giữa Trung Quốc và Nga giảm dần từ năm 2005. Trung Quốc cũng đã từng thông qua Ucraina để có được công nghệ quân sự tiên tiến của Liên Xô, như: nguyên mẫu T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33, sau đó sao chép thành mẫu J-15; mua tàu Varyag cũ, cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16)… BƯỚC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ Từ thập niên 2010, nền CNQP Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với tiềm lực kinh tế lớn, Trung Quốc đầu tư mạnh cho CNQP, tăng cường sản xuất và phát triển các sản phẩm lưỡng dụng, góp phần hiện đại hóa quân đội, vươn lên trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự. ![]() Tên lửa đẩy Trường Chinh-3B rời bệ phóng mang theo vệ tinh cuối cùng của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu. Ảnh: Internet Trong lĩnh vực hàng không, Trung Quốc phát triển Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) trở thành nhà cung cấp chính các thiết bị cho quân đội bằng cách tích hợp các dòng sản phẩm; phát triển hoạt động kinh doanh, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng sản xuất trong lĩnh vực hàng không dân sự và quân sự. Hiện, với 9 công ty sản xuất trang, thiết bị kỹ thuật hàng không chủ chốt, Tập đoàn AVIC đảm nhiệm sản xuất các loại máy bay chiến đấu J-10, J-20, FC-1, J-8, J-11, J-15; máy bay huấn luyện K-8, L-15; máy bay ném bom H-6, JH-7; máy bay trực thăng Z-8, Z-9, Z-11… Trong lĩnh vực đóng tàu, Hải quân Trung Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân lớp Thương 093, tàu ngầm lớp Tấn 094... Ngoài ra, Trung Quốc còn sản xuất và đưa vào biên chế tàu đổ bộ lớp Ngọc Chiêu (Type 071). Dự kiến trong 10 năm tới (kể từ năm 2017), Trung Quốc có thể sản xuất tàu ngầm tấn công thế hệ mới Type 095 và Type 096, được trang bị tên lửa dẫn đường với tính năng hiện đại. Qua đó, tăng cường khả năng tác chiến trên biển, tạo cho Hải quân Trung Quốc nhiều phương án tấn công các mục tiêu mặt đất và nâng cao khả năng phòng thủ khu vực. Lĩnh vực không gian vũ trụ và công nghệ vệ tinh quân sự của Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này bằng việc tham gia các tổ chức công nghệ vệ tinh quốc tế; phát triển đối tác về không gian; ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý là Bản ghi nhớ song phương với Bra-xin về Chính sách phân phối dữ liệu ảnh vệ tinh SBERS, thỏa thuận thúc đẩy phân phối và nhận dữ liệu vệ tinh từ Chương trình CBERS-3... Đặc biệt, việc nghiên cứu sản xuất Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) đã đánh dấu bước tiến mới của nước này trong công cuộc chinh phục không gian vũ trụ. Như vậy, với sự đầu tư lớn, tập trung vào chiến lược sao chép các mẫu vũ khí, trang bị, trong khoảng thời gian ngắn, nền CNQP Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần đưa Quân đội nước này trở thành thế lực hàng đầu tại khu vực. TS. MẠNH HÙNG (Theo tài liệu nước ngoài)
|