Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Công nghiệp quốc phòng11/08/2021 09:14:22 AMCNQP&KT - Với việc nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh và đào tạo, trong những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã góp phần bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và phát triển ngành CNQP nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung. Trường Cao đẳng CNQP có nhiệm vụ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) các ngành kinh tế, kỹ thuật và dạy nghề ngắn hạn; bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ, thợ bậc cao cho ngành CNQP và toàn quân; giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Bắc; đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Nhà trường còn nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ đào tạo, huấn luyện và sản xuất quốc phòng, dịch vụ. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào, ngay từ đầu mỗi năm học, Nhà trường đều triển khai xây dựng kế hoạch tuyển sinh chi tiết, rõ ràng, phân công nhiệm vụ và giao chỉ tiêu đến từng cán bộ, giáo viên; nắm bắt nhu cầu đào tạo, đào tạo lại của các doanh nghiệp trong và ngoài Tổng cục CNQP; tổ chức hội nghị tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, năng lực đào tạo của Nhà trường với nhiều hình thức khác nhau, như: tuyên truyền bằng pa-nô, tờ rơi, website; trực tiếp tư vấn cho học sinh; gửi thông tin tuyển sinh đến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; phân công lực lượng trực tiếp tư vấn cho người học về nội dung, chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp... Học viên Trường Cao đẳng CNQP trao đổi kiến thức sau giờ thực hành. Ảnh: PHƯƠNG ANH Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, Nhà trường luôn coi trọng chất lượng đào tạo bằng việc đầu tư xây dựng giảng đường, nhà làm việc cho cán bộ, giáo viên và khu nhà ở của học viên; mua sắm trang, thiết bị dạy học hiện đại như hệ thống máy vi tính, máy chiếu, dụng cụ thí nghiệm, phòng học chuyên dùng và xưởng công nghệ cao. Nhà trường cũng thường xuyên đổi mới, cải tiến giáo trình, tài liệu, nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp nhu cầu thực tế; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (liên kết với Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Anh ngữ SHELTON mở các khóa bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, thiết kế và lập trình robot, hàn công nghệ cao, cắt gọt kim loại trên máy CNC, máy lạnh và điều hòa không khí, máy khoan xung và máy cắt dây; thiết kế vi mạch trên FPGA...). Nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới và nâng cao phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học viên; đồng thời, phát huy tinh thần tự giác, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm của học viên. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được Nhà trường chú trọng, đặc biệt ưu tiên các đề tài, sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Mặt khác, Nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện học viên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật; gắn trách nhiệm cán bộ quản lý học viên, giáo viên chủ nhiệm khi có học viên vi phạm kỷ luật.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong giai đoạn 2015-2020, Nhà trường đã tuyển sinh được trên 4.000 học viên, đảm bảo tiêu chí đầu vào theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chất lượng học viên của Nhà trường ngày càng được nâng lên. Kết quả học tập, rèn luyện của học viên hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi đạt gần 60%. Học viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp cơ bản đều có việc làm ổn định, được các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị đánh giá tốt về trình độ tay nghề. ![]() Học viên Nhà trường thực hành trên các thiết bị, máy móc hiện đại. Ảnh: TUẤN LÂM Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành CNQP và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bằng việc vừa khuyến khích, vừa yêu cầu giảng viên đi học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, bổ sung trình độ ngoại ngữ, tin học. Đồng thời, tiếp tục đưa giáo viên đi tham quan, học tập thực tế tại các nhà máy, doanh nghiệp, viện nghiên cứu... để xây dựng nội dung bài giảng sát với thực tế. Hai là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đặc biệt là các trang bị, máy móc, vật tư cho thực hành và dụng cụ thí nghiệm; nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, website của Nhà trường.
Ba là, tập trung hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tăng số giờ thực hành, nhằm giúp học viên nắm chắc quy trình sản xuất sản phẩm, sử dụng thuần thục máy móc, thiết bị đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Liên kết mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá học viên qua các kỳ thi, qua đó giúp việc đào tạo được sát với thực tế và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đồng thời tiếp cận được những công nghệ hiện đại mà doanh nghiệp đang áp dụng. Bốn là, tổ chức nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép mở các ngành nghề mới mà các cơ sở đào tạo trong nước chưa đào tạo hoặc có đào tạo nhưng số lượng còn ít nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội. Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh; tổ chức rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyển sinh để xác định được các khâu yếu, mặt yếu, từ đó có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tuyển sinh; đồng thời, khen thưởng kịp thời cán bộ, nhân viên đạt kết quả cao trong hoạt động tuyển sinh. Sáu là, thường xuyên cập nhật các thông tin về tuyển dụng lao động; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức ngày hội hướng nghiệp, tư vấn việc làm nhằm giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, lắng nghe thông tin phản hồi từ doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế. Bảy là, làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn; đổi mới chương trình tư vấn mùa thi, nhằm góp phần thay đổi tư duy của học sinh, phụ huynh và doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp. Phát huy những kết quả và kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh và đào tạo trong thời gian qua; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng CNQP sẽ tiếp tục được nâng lên, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và phát triển ngành CNQP nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung. Đại tá, TS. PHẠM TUẤN HẢI Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng
|