Tin tổng hợp

CNQP&KT - Những năm gần đây, nhiều thành tựu khoa học - công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được ứng dụng trong phát triển vũ khí trang bị mới, nhất là vũ khí công nghệ cao. Điều đó đã góp phần làm thay đổi hình thái và phương thức tiến hành chiến tranh; tác động đến định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của các nước, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… để phát triển các loại vũ khí tinh khôn, vũ khí đặc chủng kết nối hệ thống chính xác. Nhìn chung, xu hướng phát triển vũ khí, trang bị quân sự thế giới dưới tác động của Cách mạng 4.0 thể hiện ở một số lĩnh vực sau: 

Phát triển máy bay không người lái (UAV): Trong sản xuất UAV, công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật đã cho phép UAV không chỉ đảm nhiệm vai trò trinh sát mà còn được thông minh hóa, trang bị vũ khí tấn công hiệu quả. Một trong những UAV hiện đại nhất là X-47B của Mỹ. UAV này được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến với cảm biến quang - hồng ngoại (EO/IR) tối tân, ra-đa hiện đại tích hợp trí tuệ nhân tạo, có khả năng tự động điều khiển bay phù hợp với địa hình dưới sự giám sát của các trung tâm chỉ huy mặt đất. Không chỉ dừng lại ở UAV tác chiến đơn lẻ, xu hướng sử dụng UAV tác chiến kiểu “bầy đàn” đã được nghiên cứu. Tại Triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc đã giới thiệu hàng chục chiếc UAV bay theo đội hình đa dạng do máy tính kiến tạo để săn tìm và tiêu diệt thành công mục tiêu. Mỹ thành lập trung đoàn máy bay không người lái thay thế trung đoàn máy bay tiêm kích F-16 trong tác chiến; Singapore cũng thành lập Bộ Tư lệnh máy bay không người lái…


Máy bay không người lái X-47B của Mỹ. Ảnh: Internet

Rô-bốt quân sự hạng nặng: Trong quân sự, rô-bốt được sử dụng hiệu quả ở cả 3 địa hình: mặt đất, trên không, dưới nước và có thể làm nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, phòng hóa, vận tải… Do đó, rô-bốt hóa là hướng phát triển lý tưởng, không chỉ cho phép bảo toàn sinh mạng người lính, mà còn tạo ra ưu thế trước đối phương, có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc tư duy chiến thuật, chiến lược cũng phải thay đổi. Quân đội Mỹ đã nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công các rô-bốt chiến trường, như: rô-bốt cứu thương Bear, rô-bốt chiến binh BigDog, rô-bốt trang bị vũ khí Talon. Israel cũng đưa vào sử dụng thực chiến hàng loạt rô-bốt chiến đấu, tiêu biểu là rô-bốt Roni được lắp đặt các thiết bị trinh sát, định vị mục tiêu hiện đại, cơ động được trên địa hình phức tạp, nguy hiểm. Quân đội Nga phát triển rô-bốt trinh sát Platforma-M, xe chiến đấu bộ binh không người lái Argo, xe thiết giáp Uran-9… Mới đây, Nga thử nghiệm thành công rô-bốt chiến đấu hạng nặng Marker (sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể điều khiển bằng giọng nói cách xa 5km) với những tính năng như di chuyển trên nhiều địa hình phức tạp, phát hiện và phân loại mục tiêu để sử dụng vũ khí thích hợp.


Rô-bốt trinh sát chiến đấu Soratnik của Nga được tích hợp công nghệ  trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh:Internet

Hiện đại hóa trang bị chỉ huy tác chiến tự động (C4ISR): C4ISR đã có bước phát triển nhảy vọt trong Cách mạng 4.0. Nhờ đó, người chỉ huy có nhiều thông tin cùng lúc để phân tích, đánh giá chính xác, đưa ra quyết định nhanh chóng để hành động trước, bám sát và duy trì sức ép toàn diện lên đối phương. Mỹ xây dựng hệ thống mạng chỉ huy sử dụng công nghệ internet vạn vật, gồm hàng triệu cảm biến, trên 70.000km hạ tầng mạng lưới và hệ thống C2BMC (chỉ huy, điều khiển, quản lý chiến trường…) kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMDS), trở thành một hệ thống duy nhất. Nga xây dựng hệ thống chỉ huy quốc gia tối tân, gồm: tác chiến, hạt nhân chiến lược, hệ thống chỉ huy toàn cầu-1 (Universal-1), có chức năng điều khiển tác chiến hiệp đồng tên lửa, ra-đa, máy bay tiêm kích và tác chiến điện tử; quản lý đồng thời 300 tốp mục tiêu trên không trong vòng bán kính 3.200km…

Nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí, phương tiện siêu thực: Mới đây, Trung Quốc giới thiệu Dự án “Nam Thiên Môn” làm căn cứ xuất phát từ Trái Đất để chống lại cuộc tấn công từ ngoài hành tinh. Theo kế hoạch, vào tháng 10/2050, căn cứ Trường Xuân sẽ đón tiếp máy bay chiến đấu không người lái Huyền Nữ với nhiệm vụ giành quyền chế áp và tấn công tầm xa trong không gian. Tuy đây mới là ý tưởng nhưng nó cũng tạo ra khả năng đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Mỹ cũng có tham vọng thiết kế hàng không mẫu hạm trên không với tính năng triển khai và thu hồi UAV. Họ đang nghiên cứu thiết kế, xây dựng phi đội máy bay rô-bốt cỡ nhỏ, đó là các UAV có khả năng trinh sát mặt đất, mang bom và cung ứng chiến trường, được thiết kế vừa giống tên lửa vừa giống máy bay không người lái tích hợp công nghệ thu phóng trên hàng không mẫu hạm không gian.

Phát triển công nghệ kỹ thuật vệ tinh quân dụng, tiến tới làm chủ không gian vũ trụ, vũ khí vũ trụ: Được coi là phương tiện chiếm lĩnh điểm cao kiểm soát vũ trụ, nắm bắt tình hình toàn cầu, truyền dẫn thông tin, định vị dẫn đường... Mỹ đã đưa việc tiêu chuẩn hóa, mô-đun hóa vệ tinh mi-ni vào kế hoạch “không gian vũ trụ tác chiến phản ứng nhanh”. Họ đang phát triển công nghệ vệ tinh lắp ráp nhanh với giá thành rẻ, rút ngắn được chu kỳ chế tạo, nâng cao năng lực đáp ứng nhanh của hệ thống phương tiện không gian vũ trụ, mở ra kênh mới ứng dụng chiến thuật của hệ thống thông tin đặt trong vũ trụ.

Xu hướng phát triển vũ khí, trang bị quân sự thế giới dưới tác động của Cách mạng 4.0 thể hiện ở một số lĩnh vực: Phát triển máy bay không người lái, rô-bốt quân sự hạng nặng, hiện đại hóa trang bị chỉ huy tác chiến tự động, sản xuất các loại vũ khí, phương tiện siêu thực, phát triển công nghệ kỹ thuật vệ tinh quân dụng…

Đối với Việt Nam, trước xu thế phát triển vũ khí trang bị thế giới trong Cách mạng 4.0 và yêu cầu hiện đại hóa Quân đội từ năm 2030, quán triệt chủ trương “xây dựng, phát triển nền CNQP hiện đại và lưỡng dụng”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã định hướng phát triển CNQP trên một số nội dung trọng tâm sau đây:

Một là, đẩy mạnh xây dựng CNQP tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng. Xây dựng CNQP tự chủ luôn là yêu cầu được đặt ra trong suốt quá trình phát triển của CNQP Việt Nam. Do đó, việc "xây dựng CNQP tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng" là con đường duy nhất để tránh lệ thuộc, đồng thời từng bước làm chủ kỹ thuật, công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị tiên tiến, phát huy năng lực khoa học - công nghệ nội sinh vì mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại từ năm 2030.

Hai là, thực hiện khảo sát, đánh giá, xây dựng và triển khai đề án tổ hợp CNQP. Xu hướng của các quốc gia là hình thành tổ hợp CNQP với quy mô lớn, trình độ cao, chuyên dụng trong những ngành, như: hàng không, vũ trụ, tên lửa, điện tử viễn thông, đóng tàu… CNQP Việt Nam đã và đang từng bước phát triển theo xu hướng đó song quy mô còn nhỏ, trình độ còn hạn chế, chưa tích hợp được nhiều chức năng vào các tổ hợp sản xuất. Cần thiết phải thực hiện chủ trương nghiên cứu “khảo sát, đánh giá, xây dựng, triển khai các tổ hợp CNQP” cả về quy mô, trình độ và khả năng nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị mới, hiện đại, tiên tiến.


Đài radar VRS-2DM do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chế tạo.  Ảnh: CTV

Ba là, ưu tiên đầu tư, phát triển, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia và khu vực. Để hiện đại hóa CNQP, cần quan tâm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ quân sự, trong đó, việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đóng vai trò quyết định. Nhóm nghiên cứu mạnh phải hội đủ các yếu tố về con người, trình độ đào tạo và thực lực nghiên cứu. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc để xây dựng CNQP tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ quân sự. Việc tự nghiên cứu cơ bản, tuần tự về công nghệ sản xuất quốc phòng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự đầu tư lớn về nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật. Do vậy, thực hiện “đi tắt, đón đầu” bằng cách đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng là rất cần thiết nhằm tạo cơ hội tiếp thu kinh nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ hiện đại hóa CNQP đất nước.

Có thể thấy, những thành tựu của Cách mạng 4.0 trong lĩnh vực chế tạo vũ khí trang bị quân sự đem đến nhiều triển vọng và thách thức, tiềm ẩn nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng 4.0 trong xây dựng và phát triển ngành CNQP tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá, TS. PHÙNG MẠNH CƯỜNG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng bộ Quân đội (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội.

2. Đoàn Hùng Minh (2020), Đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tạp chí CNQP và Kinh tế, Số đặc biệt.

3. Bạch Dương (2020), Xu hướng tác chiến trên không gian vũ trụ, nhandan.com.vn.

4. Huy Anh (2020), Những tiết lộ về dự án hàng không mẫu hạm bay của Hoa Kỳ, baovephapluat.vn.

5. Bình Nguyên (2021), Tàu sân bay trên không - dự án táo bạo của Lầu Năm Góc, qdnd.vn.

6. Hoàng Bách (2020), Robot quân sự Nga được trang bị máy bay không người lái Kamikaze, baophapluat.vn.

7. Ngô Tuyết (2019), Trung Quốc khoe mẫu tàu sân bày siêu tưởng, chế áp không gian, vietnamnet.vn.

8. Lê Văn Thành (2019), Xu hướng phát triển công nghệ quân sự thế giới, Tạp chí CNQP và Kinh tế, Số 3.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: