Tin tổng hợp

CNQP&KT - Thông qua hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đối tác và kết hợp thương mại với quốc phòng... Nam Phi đã trở thành nước có nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) phát triển với nhiều loại vũ khí, trang bị có hàm lượng công nghệ cao, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.

THỰC TRẠNG NỀN CNQP NAM PHI

Những năm 1940, nền CNQP Nam Phi hình thành với sự ra đời của Hội đồng Nghiên cứu và Công nghiệp, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá tiềm năng CNQP Nam Phi. Theo sự tham mưu của Hội đồng này, cùng với sự giúp đỡ của Vương quốc Anh, Chính phủ Nam Phi đã thành lập 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại đạn, bom, pháo, cối, xe bọc thép và các thiết bị điện tử... Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), Chính phủ Nam Phi đã huy động một số công ty tư nhân tham gia sản xuất vũ khí, song hầu hết đã bị giải thể vào cuối những năm 1940. Sau đó, nhờ chiến lược phù hợp và các giải pháp linh hoạt, nền CNQP Nam Phi đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng phần lớn nhu cầu vũ khí cho quân đội nước này.

Trong những năm 1980, nền CNQP Nam Phi đã có những lĩnh vực phát triển đến đỉnh cao. Đặc biệt, sau khi Đảng Đại hội dân tộc Phi đánh đổ chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai (1994), các biện pháp cấm vận của cộng đồng quốc tế được gỡ bỏ, nhờ đó, Nam Phi đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có CNQP. Với những lợi thế về tiềm lực kinh tế, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, CNQP Nam Phi đã tự nghiên cứu, sản xuất và đáp ứng được trên 90% nhu cầu vũ khí của Lực lượng Phòng vệ quốc gia Nam Phi, trong đó có nhiều loại vũ khí đạt tới trình độ tiên tiến trên thế giới. Mặt khác, Nam Phi còn xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự sang nhiều nước, như: thiết bị cảm biến con quay điện tử RAP-24 trang bị cho máy bay trinh sát và nâng cấp tên lửa TY-90 cho Trung Quốc; hệ thống kiểm tra động cơ tuốc-bin cho I-ran; súng phóng lựu, bom trượt và xe thiết giáp chở quân cho Li-bi; máy thu cảnh báo ra-đa cho Triều Tiên; tên lửa INGWE, tên lửa chống tăng có điều khiển, camera ảnh nhiệt cho Ma-lai-xi-a...


Xe chiến đấu bộ binh Ratel Mk III của Lực lượng Phòng vệ quốc gia Nam Phi.         Ảnh: Internet

Hiện nay, Nam Phi có khoảng 50 tập đoàn, công ty tham gia sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, nổi bật là: Tập đoàn Amrscor với các sản phẩm chủ lực là vũ khí, trang - thiết bị cho lục quân (súng cá nhân, các loại đạn, xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới); Công ty BAE Systems chủ yếu sản xuất các loại vũ khí, trang- thiết bị cho không quân và hải quân, các thiết bị thông tin liên lạc và phương tiện hỗ trợ tác chiến điện tử; Tập đoàn CCII Systems Ltd chuyên sản xuất các loại ra-đa và các trang - thiết bị hỗ trợ tác chiến điện tử; Tập đoàn Interference Testing and Consultancy Services Ltd chuyên sản xuất buồng điện từ trường, thiết bị thử nghiệm điện từ trường, sơn dẫn điện, bộ lưu điện, nguồn điện và vật liệu hấp thụ sóng cao tần; Tập đoàn MOH-9 Armour Ceramics chuyên sản xuất vật liệu chống đạn và áo chống đạn; Tập đoàn Protoclea Advnced Image Engineering với các sản phẩm chủ lực là công nghệ và phần mềm xử lý hình ảnh phục vụ cho tình báo, trinh sát; Công ty Danel Land Systems chuyên sản xuất các loại pháo hạng nặng, súng cối và súng máy; Công ty Denel Land Aviation chuyên sản xuất, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy bay phản lực, máy bay trực thăng với rất nhiều chủng loại như Puma, Super Puma, Oryx, Alouette, Rooivalk, Agusta Westland A109, Super Lynx, Eurocopter AS350, BO105, BK117...

Hiện nay, Nam Phi có khoảng 50 tập đoàn, công ty tham gia sản xuất vũ khí, trang bị quân sự.

KINH NGHIỆM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Từ sự phát triển mạnh mẽ của CNQP Nam Phi trong vài thập kỷ trở lại đây, có thể rút ra một số kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, thành lập các cơ quan chuyên trách đảm nhiệm quản lý, nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị quân sự. Từ năm 1945, Nam Phi đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu và Công nghiệp để nghiên cứu tiềm năng công nghiệp tổng thể của Nam Phi. Năm 1949, thành lập Ủy ban Nguồn lực quốc phòng. Năm 1951, thành lập Văn phòng sản xuất đạn dược (cùng với Ủy ban Nguồn lực quốc phòng giám sát việc hoạch định chính sách liên qua đến vũ khí). Năm 1953, thành lập nhà máy sản xuất súng đầu tiên và Cơ quan kỹ thuật Lyttleton đảm nhận thu thập thông tin và dữ liệu kỹ thuật về phương pháp sản xuất. Năm 1954, thành lập Viện Nghiên cứu CNQP để đánh giá và lập kế hoạch phát triển CNQP. Hiện nay, Tập đoàn Armscor có chức năng thống nhất quản lý việc nghiên cứu, mua sắm và hoạch định chính sách CNQP cao nhất của Chính phủ Nam Phi. Lãnh đạo Tập đoàn Armscor báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng; 10 thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn đồng thời là thành viên của Ủy ban Kế hoạch Quốc phòng, gồm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội; các doanh nhân, nhà tài phiệt, nhà khoa học hàng đầu…


Máy bay trực thăng Atlas Oryx.    Ảnh: Internet

Thứ hai, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về phát triển CNQP. Năm 1964, Nam Phi ban hành Đạo luật về vũ khí, mở đường cho việc thành lập Ủy ban Sản xuất vũ khí để quản lý Cơ quan kỹ thuật Lyttleton và một số nhà máy sản xuất đạn dược của nhà nước; điều phối công việc mua sắm vũ khí của các cơ quan chính phủ, quân đội và tư nhân. Năm 1968, Nam Phi tiếp tục ban hành Đạo luật sản xuất và phát triển vũ khí, mở đường cho việc thành lập tập đoàn sản xuất và phát triển vũ khí đặc biệt (Armscor), nhằm củng cố và thống nhất quản lý sản xuất vũ khí trong phạm vi cả nước, bao gồm cả nhà nước và tư nhân. Những năm 1990, Nam Phi tiếp tục ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý và tạo hành lang cho CNQP phát triển, như: Sách trắng Quốc phòng (năm 1996), Báo cáo Quốc phòng (năm 1998), Đạo luật Quản lý tài chính công (năm 1999), Đạo luật Quốc phòng (năm 2002)... Đáng chú ý, Sách trắng Quốc phòng của nước này đã vạch ra 6 lĩnh vực mang tính chiến lược mà nền CNQP cần duy trì và ưu tiên phát triển là: đảm bảo hậu cần; sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí; tích hợp hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc; cảm biến, xử lý tín hiệu và dữ liệu; phần mềm và hệ thống đảm bảo tác chiến; các hệ thống mô phỏng và giả định trong tác chiến.

CNQP Nam Phi đã tự nghiên cứu, sản xuất và đáp ứng được trên 90% nhu cầu vũ khí của Lực lượng Phòng vệ quốc gia Nam Phi, trong đó có nhiều loại vũ khí đạt tới trình độ tiên tiến trên thế giới.

Thứ ba, tích cực hợp tác với các nước có nền CNQP tiên tiến; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất - nhập khẩu. Trước khi Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí (năm 1963), Nam Phi đã có trong tay nhiều công nghệ quân sự thông qua các thỏa thuận nhượng quyền, đặc biệt là từ Tây Đức, I-xra-en, I-ta-li-a, Pháp, Bỉ và Ca-na-đa; từng bước sản xuất được nhiều loại vũ khí hiện đại mà trước đó phải nhập khẩu. Cuối những năm 1960, Nam Phi đã tiếp nhận 127 giấy phép sản xuất từ nước ngoài đối với các loại vũ khí, đạn dược và xe quân sự. Sau lệnh cấm vận, Nam Phi không chỉ áp dụng các biện pháp giữ bí mật nghiêm ngặt về kỹ thuật mà còn bí mật hợp tác với một số nước thân cận có nền CNQP tiên tiến, thúc đẩy nền CNQP Nam Phi tiến bộ vượt bậc, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1979.


Pháo tự hành G6 Rhino.   Ảnh: Internet

Những năm 1980, có trên 50 nước mua vũ khí của Nam Phi, như: các loại vũ khí hạng nhẹ được bán cho I-rắc, Pháp, Bỉ, Chi-lê, Tây Ban Nha; xe bọc thép Ratel được bán cho Ma-rốc và Công-gô; hàng rào cơ động bảo vệ khu vực và kiểm soát đám đông được bán cho 15 nước; pháo xe kéo G-5 được bán cho cả I-ran và I-rắc trong suốt cuộc xung đột giữa hai nước này; pháo tự hành G-6 bán cho Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất; bán vắc-xin cho I-xra-en để đề phòng nguy cơ I-rắc tấn công bằng vũ khí sinh học; bán một số loại súng máy, súng phóng lựu và các loại đạn cho Ru-an-đa... Giai đoạn 2004-2008, Nam Phi đứng thứ 17 thế giới về xuất khẩu vũ khí; riêng năm 2008, nước này đã xuất khẩu vũ khí sang gần 100 nước, trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Đồng thời, Nam Phi cũng đẩy mạnh nhập khẩu những loại vũ khí tiên tiến của các nước phát triển. Tính riêng giai đoạn 2008-2012, Nam Phi liên tục tăng ngân sách cho nhập khẩu vũ khí công nghệ cao với tổng giá trị 5,3 tỷ USD, trong đó tỷ lệ nhập khẩu cao nhất là từ Thụy Điển (61,2%), tiếp theo là Đức (23,1%), Anh (7,7%), Mỹ (5,3%)... Gần đây, Nam Phi tiếp tục nhập khẩu nhiều loại vũ khí, trang- thiết bị hiện đại, như: tàu cao tốc chiến đấu FB MIL-40 của I-ta-li-a; tên lửa chống tăng MILAN-3 của Công ty EuroEssile; camera hồng ngoại giám sát của Pháp; ống nhòm hồng ngoại VINA-8; súng phóng lựu tự động AGL-30M của Bun-ga-ri...

Thứ tư, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các tập đoàn CNQP trọng điểm. Từ năm 1968, Nam Phi đã thành lập Tập đoàn Armscor - “xương sống” của nền CNQP. Nhờ đó, Nam Phi đã từng bước sản xuất và đáp ứng được nhu cầu về vũ khí hạng nhẹ, xe quân sự, thiết bị quang học và đạn dược cho quân đội. Những năm 1970, Nam Phi thực hiện tái cơ cấu Armscor thành Tập đoàn vũ khí Nam Phi, trở thành tập đoàn CNQP chủ lực, mở rộng sản xuất vũ khí, nắm quyền kiểm soát nghiên cứu và phát triển. Đầu những năm 1990, Nam Phi tiến hành tư nhân hóa ngành CNQP, tiếp tục tái cơ cấu Armscor, vận hành theo cách thức của một tổ chức nhà nước và nắm giữ những trọng trách lớn, như: mua sắm vũ khí của Chính phủ; điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu quân sự nhà nước; cấp phép các giấy xác nhận thị trường và đảm bảo sự hợp chuẩn với các thỏa thuận quốc tế. Năm 1992, Nam Phi thành lập và đầu tư rất lớn cho Tập đoàn Denel, trở thành một trong những đơn vị chủ lực chuyên nghiên cứu, phát triển cơ khí, hóa học, điện tử trong sản xuất vũ khí theo đơn đặt hàng của Armscor.

Những năm tới, Nam Phi xác định mục tiêu của nền CNQP là tiếp tục duy trì và phát triển như một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, Nam Phi chủ trương phát triển CNQP theo các định hướng: Tiếp tục đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vũ khí, trang bị cho quân đội, góp phần tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia; gia tăng khả năng răn đe đối phương; nâng cao năng lực xuất khẩu vũ khí, trang bị, mang lại nguồn thu cho ngân sách. Chính quyền Nam Phi chủ trương huy động tất cả các cấp, cơ quan, ban, ngành tham gia đầu tư, phát triển CNQP; kêu gọi các công ty tư nhân cùng hợp tác đầu tư với chính phủ, sử dụng có hiệu quả đồng vốn và giảm chi phí đầu tư; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng bộ, ngành trong hỗ trợ phát triển CNQP để tăng cường nguồn thu ngoại tệ và giảm chi phí nhập khẩu vũ khí, trang bị quân sự. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và tăng cường khả năng tiếp nhận hỗ trợ từ bên ngoài cho phát triển CNQP; tăng cường đầu tư phát triển thiết bị, công nghệ lưỡng dụng và kỹ thuật sản xuất trên cơ sở điều chỉnh, thiết kế lại và nâng cấp hàng loạt hệ thống vũ khí thông qua việc sử dụng công nghệ mới, đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược của thế giới; tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài…

Có thể thấy, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm lực kinh tế khá dồi dào và chiến lược phát triển phù hợp, nền CNQP Nam Phi sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Mặt khác, với chính sách xuất khẩu “thiên về lợi nhuận”, nhiều nước chậm phát triển có thể dễ dàng ký kết hợp đồng mua sắm và nhận chuyển giao công nghệ từ CNQP Nam Phi.

ĐOÀN HÙNG 

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: